DOANH NGHIỆP

Thủ tướng khẳng định cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư, mong các nhà đầu tư “đã nói là làm” khi lựa chọn Việt Nam

Kỳ Văn

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai, đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “đã nói là làm, đã làm là hiệu quả”, luôn “tự hào và vinh dự” khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, cùng nhau chiến thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng phân tích 3 nội dung quan trọng tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022: Tại sao nên đầu tư vào Việt Nam và Đà Nẵng; các nhà đầu tư nên đầu tư vào lĩnh vực nào tại Việt Nam và Đà Nẵng; các bộ ngành, chính quyền phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều ngày 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 do thành phố Đà Nẵng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển

Phát biểu tại Diễn đàn, ngài Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản và Thủ tướng Nhật Bản Kishida tới Việt Nam đã thể hiện sự tín nhiệm cao giữa các nhà lãnh đạo hai nước, thể hiện được ý nghĩa qua thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính về quan hệ hai nước đó là “chân thành, tình cảm và tin cậy”.

Đại sứ nhắc lại, tại hội thảo đầu tư được tổ chức nhân dịp chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã ký kết 45 biên bản ghi nhớ trị giá 12 tỷ USD, đồng thời trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida vào tháng 5 vừa qua, hai bên đã trao đổi văn kiện, tiến hành ký kết 22 biên bản ghi nhớ trị giá 910 triệu USD.

Riêng tại Đà Nẵng, đến nay đã có khoảng 216 hoạt động đầu tư từ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư luỹ kế lên tới 800 triệu USD. Đại sứ Nhật Bản đánh giá, so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có lợi thế là giá thuê khu công nghiệp cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào.

Các công ty Nhật Bản đang tích cực tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Đà Nẵng như ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin… Công ty Fujikin sản xuất van bán dẫn đang xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và sản xuất, dự định hoàn thành vào khoảng tháng 8 - 9 năm nay. Công ty Renesas là một hãng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã đặt văn phòng tại Đà Nẵng vào tháng 4 vừa qua. Công ty TNHH Murata, một trong những công ty lớn của Nhật Bản tại Đà Nẵng, là hãng sản xuất linh kiện điện tử toàn cầu đang có kế hoạch mở rộng đầu tư thêm khoảng 32 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Aeon Mall đang vận hành 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam và đặt mục tiêu đạt 16 trung tâm vào năm 2025, đang cân nhắc mở thêm các trung tâm tại Đà Nẵng.

Thủ tướng bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai để các nhà đầu tư tới Việt Nam với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, các bên đều chiến thắng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển và Thành phố Đà Nẵng nên đi đúng hướng để củng cố vai trò là một cực tăng trưởng ở khu vực miền Trung của đất nước.

Theo bà Giám đốc, vị trí chiến lược của thành phố trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế trọng yếu sẽ vẫn là vốn quý quan trọng và là cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.

Bà đánh giá cao Đà Nẵng đã đặt ra tầm nhìn để tăng cường hơn nữa vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ thúc đẩy sự phát triển của khu vực, đồng thời trở thành một thành phố xanh, có khả năng chống chịu và đáng sống.

Để đạt được tầm nhìn này, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công, thu hút động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân; phát triển cơ sở hạ tầng xanh, không gian xanh công cộng; ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh, tạo cơ hội cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Bà nhấn mạnh việc quan tâm tới rủi ro biến đổi khí hậu, khi đại dịch COVID-19 cho thấy những sự kiện chưa từng có tiền lệ có thể làm gián đoạn sự phát triển và gây thiệt hại cho sinh kế như thế nào. Các sự kiện liên quan đến khí hậu cực đoan như các cơn bão thảm khốc đã trở thành hiện tượng phổ biến đối với khu vực duyên hải miền Trung. Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng có thể được hưởng lợi từ sự cam kết tham gia của tất cả các bên liên quan, các nguồn lực và chuyên môn thích hợp để ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu, khi các nhà đầu tư ngày càng yêu cầu tính bền vững như là điểm mấu chốt cho các khoản đầu tư.

Bà cho biết Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới đã khởi động một nhóm làm việc chung sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành để hỗ trợ toàn diện thành phố trong việc tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng bằng cách cùng giải quyết những thách thức phức tạp nhất của địa phương.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng một trong các mũi nhọn chiến lược là Đà Nẵng phải trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm các công nghệ mới, trung tâm phát triển game, thúc đẩy phát triển kinh tế số… - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự tin tưởng và cam kết mạnh mẽ từ các nhà đầu tư

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cho biết FPT đã dần hiện thực hoá cam kết với thành phố, như thành lập khu công nghệ thông tin tập trung, đô thị thông minh, tạo hàng chục ngàn việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn, góp phần giúp Đà Nẵng gần đây liên tục được vinh danh là thành phố thông minh, chuyển đổi số trên các bảng xếp hạng của Việt Nam và khu vực… Công nghệ thông tin là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Đà Nẵng, khoảng 10% mỗi năm, đóng góp 8,2% GRDP của thành phố, cao thứ 3 sau thương mại, vận tải. Trong đó, FPT đóng góp 1/5 doanh thu lĩnh vực công nghệ - thông tin của thành phố.

Thời gian tới, một trong các mũi nhọn chiến lược là Đà Nẵng phải trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm các công nghệ mới, trung tâm phát triển game, thúc đẩy phát triển kinh tế số… Ông Trương Gia Bình cho rằng Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt để lập kỳ tích mới trong kỷ nguyên số như về chính sách, nguồn lao động trẻ, dồi dào, vị trí đắc địa, hạ tầng đô thị… Việt Nam cũng đang từng bước gia tăng vị thế trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm game. Việt Nam hiện đứng thứ 7 về số lượt trò chơi được tải nhiều nhất trên thế giới. Cứ mỗi 25 game được tải thì có một game do công ty Việt Nam sản xuất, theo bảng xếp hạng của App Annie 2020.

Ông cho rằng Đà Nẵng cần thu hút nhiều hơn nữa các cơ sở đào tạo; tăng số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) lên gấp 10 lần, hiện Đà Nẵng có hơn 50 trong tổng số 3.000 doanh nghiệp start-up của cả nước... FPT muốn đầu tư vào Đà Nẵng một tổ hợp giáo dục lớn, đào tạo 10.000 lập trình viên cho tới năm 2023, phát triển công nghệ mới, hỗ trợ khởi nghiệp…

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung Nam Group đề xuất 5 chữ C (Chính quyền, Cơ hội, Cơ chế, Cộng đồng, và Con người); nguyên tắc 3W là Chính quyền Win (thắng), Cộng đồng Win, Doanh nghiệp Win. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung Nam Group cho biết tập đoàn cam kết đồng hành cùng thành phố trong chiến lược phát triển. Cụ thể, trong giai đoạn tới năm 2025, Trung Nam tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu đô thị sinh thái Golden Hills City với quy mô gần 400 ha; vận hành khai thác chuỗi 5 nhà máy sản xuất điện tử tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng; xây dựng và đưa vào khai thác 1 trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), bao gồm khu đào tạo tại Khu công nghệ thông tin; đưa vào khai thác giai đoạn 2 Khu công nghệ thông tin, xúc tiến kêu gọi đầu tư lấp đầy Khu công nghệ thông tin 341 ha và công nghiệp hỗ trợ ở các khu vực lân cận,…

Tới năm 2030, Trung Nam sẽ phát triển thêm các khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh đổi mới sáng tạo; đầu tư hoàn chỉnh hệ sinh thái công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), công nghiệp điện tử, nghiên cứu và phát triển, hệ thống phòng thí nghiệm... hiện đại, đạt chuẩn, trung tâm ươm tạo, khởi nghiệp; đầu tư hoàn thiện toàn bộ dịch vụ, hạ tầng xã hội để phục vụ sự phát triển của hệ sinh thái; tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để nghiên cứu phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam” được thiết kế, chạy thử, đưa vào đời sống thực tiễn xuất phát từ Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Đà Nẵng…

Ông cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thời cơ để phát triển vượt bậc với nền chính trị ổn định, nhân công chất lượng cao, hạ tầng tương đối tốt, FDI liên tục tăng… và Đà Nẵng là một trong những điểm đến hấp dẫn. Trung Nam nêu các đề xuất qua 5 chữ C và kiến nghị nguyên tắc 3 chữ W. Trong đó, 5 chữ C gồm Chính quyền, Cơ hội, Cơ chế, Cộng đồng, và Con người. Còn nguyên tắc 3W là Chính quyền Win (thắng), Cộng đồng Win, Doanh nghiệp Win.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định Tập đoàn luôn tập trung những nguồn lực tốt nhất để sẵn sàng cùng Đà Nẵng bứt phá và phát triển bền vững, vươn tầm khu vực và quốc tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định Đà Nẵng luôn là một điểm đến đầu tư, phát triển kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Tập đoàn. BRG luôn tập trung những nguồn lực tốt nhất của mình để sẵn sàng cùng thành phố này bứt phá và phát triển bền vững, vươn tầm khu vực và quốc tế. BRG luôn nhận được sự quan tâm, chào đón và tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong suốt những năm qua.

Bà cũng bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối với những định hướng, những chính sách đúng đắn luôn hướng đến người dân và doanh nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm coi doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh, là “trái tim” của nền kinh tế, từ đó thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt, tích cực đề ra và triển khai các quyết sách hỗ trợ hiệu quả và kịp thời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã ứng phó, chống chọi được với những biến động của tình hình, những cú sốc từ bên ngoài và giữ được lòng tin, sự yên tâm của các nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ứng phó hiệu quả trước những cú sốc, giữ được lòng tin, sự yên tâm của các nhà đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã luôn đồng hành, hỗ trợ cùng Việt Nam trong hơn 2 năm phòng chống dịch vừa qua, khẳng định những vấn đề toàn cầu thì phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương.

Thủ tướng bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai để các nhà đầu tư tới Việt Nam với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, các bên đều chiến thắng.

Trước đông đảo các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng dành thời gian để phân tích về 3 nội dung lớn.

Vấn đề thứ nhất, tại sao nên đầu tư vào Việt Nam và Đà Nẵng?

Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi người dân, doanh nghiệp phải hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng một cách tốt nhất; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư cho sự phát triển.

Việt Nam xác định con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tài năng và phẩm chất của con người để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trải qua rất nhiều năm chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải.

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải dựa trên nền tảng bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân. Theo Thủ tướng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với quy mô xuất nhập khẩu khoảng gấp đôi GDP của cả nước, trong bối cảnh hiện nay, việc phải đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng và Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo Thủ tướng, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể ứng phó, chống chọi được với những biến động của tình hình, những cú sốc từ bên ngoài và giữ được lòng tin, sự yên tâm của các nhà đầu tư.

Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới bởi sau các cuộc chiến tranh và 35 năm đổi mới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, hạ tầng và thể chế. “Chúng tôi biết sức mạnh của mình ở đâu để phát huy và nhân lên và cũng biết chỗ yếu của mình ở đâu để cùng nhau và cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kịp thời khắc phục”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng cho biết, nhờ cách tiếp cận đúng đắn và những giải pháp phù hợp, đề cao đoàn kết, Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn khó khăn khi thiếu thuốc, vaccine, năng lực y tế hạn chế; đã soát dịch bệnh thành công trên phạm vi cả nước, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh một số quyết định cho thấy sự tự tin, bản lĩnh, linh hoạt của Việt Nam như mở cửa trở lại từ tháng 3/2022 khi Hà Nội đang trên đỉnh dịch COVID-19 về số ca mắc và đưa ra quyết định tổ chức SEA Games 31 (vào tháng 5/2022) ngay từ tháng 11/2021.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, chịu tác động mạnh từ tình hình thế giới, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện tích cực hơn, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Theo dữ liệu mà Nikkei công bố cho tháng 5/2022, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 trên thế giới về Chỉ số Phục hồi COVID-19. S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chưa bao giờ việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được triển khai mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vấn đề thứ hai được Thủ tướng đề cập là các nhà đầu tư nên đầu tư vào lĩnh vực nào tại Việt Nam và Đà Nẵng?

Các thông tin từ Diễn đàn đã phân tích rất rõ về những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Đà Nẵng, Thủ tướng nhấn mạnh rằng Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trong những năm qua sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam, thành phố đã và đang “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. “Đó chính là điểm mạnh nhất của Đà Nẵng. Ai tới Đà Nẵng thời điểm khi chia tách tỉnh và thời điểm này thì mới thấy sự khác biệt”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ một số lĩnh vực mà Việt Nam và Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn…

Nhân dịp này, để các nhà đầu tư yên tâm, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm nhưng đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chân chính trên thị trường vốn, thị trường bất động sản…

Thủ tướng cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng chưa thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống; đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, thực hiện thật tốt những gì đã cam kết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vấn đề thứ ba, các bộ ngành, chính quyền phải làm gì để doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam an toàn, lành mạnh và cùng phát triển; doanh nghiệp phải làm gì để cùng phía Việt Nam xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, đặc biệt là đẩy mạnh, tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, luôn “tự hào và vinh dự” khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, thực hiện thật tốt những gì đã cam kết, “đã nói là làm, đã làm là hiệu quả”, cùng nhau chiến thắng, cùng Việt Nam hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2025, 2030, 2045 xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà đầu tư, doanh nghiệp được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư, bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho các dự án.... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công bố 7 dự án động lực, trọng điểm và ký kết nhiều thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD

Tại Diễn đàn, lãnh đạo Đà Nẵng công bố 7 dự án động lực, trọng điểm kêu gọi đầu tư: Dự án Cảng Liên Chiểu (một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt); dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; dự án không gian sáng tạo Đà Nẵng; dự án trung tâm thương mại quốc tế; dự án bệnh viện quốc tế; dự án viện dưỡng lão; dự án trường liên cấp quốc tế.

UBND thành phố Đà Nẵng và các đối tác cũng đã trao các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận trương đầu tư, các thỏa thuận hợp tác... với trị giá nhiều tỷ USD.

Trong đó, UBND thành phố Đà Nẵng và Vietjet trao biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược 5 năm (2022 – 2027), phối hợp để quảng bá hình ảnh của thành phố biển Đà Nẵng đến với du khách khắp trong, ngoài nước, thúc đẩy giao thương, du lịch và đầu tư đến Đà Nẵng.

Vietjet cũng chính thức công bố mở 7 đường bay quốc tế mới kết nối Đà Nẵng với với Busan (Hàn Quốc), 5 thành phố lớn, đông dân nhất Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Hyderabad, Ahmedabad, Bangalore cùng với Singapore sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 và ngay trong quý III/2022, với từ 4 đến 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần, bước đầu tiên trong khuôn khổ cam kết hợp tác với thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên, chúc mừng các doanh nghiệp, nhà đầu tư được nhận bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng vì có những đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

UBND thành phố Đà Nẵng cũng trao thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án cho Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đối với 5 dự án: Dự án cảng biển Liên Chiểu, dự án sân bay Đà Nẵng mở rộng, dự án các trung tâm logistics, dự án đô thị sân bay, dự án đô thị cảng biển.