Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022.
“Năm 2022, chúng ta vẫn phải xác định mục tiêu đầu tiên là kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để có thể phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng để đạt được những kết quả khả quan”, Thủ tướng nhận định.
Chính phủ mong Bộ NN&PTNT sẽ phát huy, kế thừa những thành quả và với truyền thống ngành nông nghiệp, năm 2023 tiếp tục phát triển, bứt phá và mạnh mẽ, bền vững hơn.
Phân tích thêm về mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2022, Thủ tướng cho biết, con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam những năm vừa qua trong một hoàn cảnh khó khăn.
Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân ‘đủ ăn đủ mặc’, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Bộ NN&PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, chuyển đổi tư duy sẽ có nguồn lực.
Cần gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động, để công nghiệp hóa được nông nghiệp.
Theo đó, các đơn vị phải thấm nhuần 5 bài học kinh nghiệm. Đó là: đoàn kết thống nhất cả nhận thức và hành động. Bởi lẽ, nhận thức có đúng thì hành động mới có thể ngang tầm; nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để chỉ đạo, điều hành sáng tạo, linh hoạt; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi gắn với giám giám sát, kiểm tra thường xuyên; xác định có trọng tâm, trọng điểm bởi thời gian, năng lực, cơ sở hạ tầng có hạn; phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và phải phối hợp thực sự.
Bên cạnh những đóng góp, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022 như tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình nông nghiệp tại Nghệ An, Hà Nam còn chậm; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao.
Bước sang năm 2023, Thủ tướng nhận định bối cảnh thế giới sẽ có nhiều thách thức hơn như: xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng năng lượng, chính sách chống lạm phát của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Dẫn câu thơ: “Núi cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh những người làm việc trong ngành cần quan tâm hơn nữa đến phát triển thị trường song song với quy hoạch vùng nguyên liệu.
Thủ tướng đề nghị, năm 2023, việc xây dựng thương hiệu nông sản cần làm ngay sau khi quy hoạch. Quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm. Đồng thời, đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải triển khai nhanh hơn. Các địa phương phải chủ động phối hợp cùng Bộ NN&PTNT nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập cho người dân. Chống lãng phí, tiêu cực, đi đôi với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý.
Về hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để tìm thêm những thị trường tiêu thụ mới.