KINH TẾ

Thúc đẩy nông sản Việt: Cơ hội lớn nhưng áp lực không nhỏ

Tuyết Trang

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, biến đổi khí hậu cùng những quy định kỹ thuật và thủ tục xuất nhập khẩu ngày càng khắt khe đang đặt ra nhiều thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Sáng 3/12, Diễn đàn Kết nối thương mại xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc đã diễn ra với mục tiêu tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp và thương nhân trong nước gặp gỡ, thúc đẩy hợp tác kinh doanh, xuất nhập khẩu với các đối tác từ Trung Quốc.

"Cầu nối" giao thương hàng hóa

Phát biểu tại sự kiện, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: "Lạng Sơn đã và đang là một trong những địa bàn trung chuyển, tổ chức các dịch vụ xuất nhập khẩu trọng điểm trên đường bộ qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc và là "cầu nối" quan trọng trong thông thương hàng hóa ASEAN-Trung Quốc và ngược lại".

Ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: BT).

Ông khẳng định Trung Quốc hiện là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Việc ký kết các Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản chủ lực, góp phần ổn định và phát triển xuất khẩu bền vững.

Đồng thời, ông Quỳnh cũng nêu ra những thách thức mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phải đối mặt, đến từ sự cạnh tranh của các nền sản xuất trong khu vực và những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm.

"Trong bối cảnh đó, tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, thân thiện", ông nói.

Ông Châu Binh - Tuần thị viên cấp 2 thuộc Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, chia sẻ: "Chúng tôi đang không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng biên giới, đặc biệt là cửa khẩu thông minh, để tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất giao thương".

Kết quả là năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu của thành phố đạt 239,37 tỷ NDT, với trái cây Việt Nam là mặt hàng đặc biệt được ưa chuộng. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu qua thành phố đã đạt 710.000 tấn, trong đó sầu riêng chiếm phần lớn với mức tăng trưởng đáng kể.

Mở rộng kết nối thương mại, nâng cấp cửa khẩu

Chia sẻ tham luận tại sự kiện, ông Hoàng Khánh Duy - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), cho biết tỉnh đã triển khai nền tảng cửa khẩu số nhằm tự động hóa quy trình, giảm thời gian thông quan và tăng hiệu quả quản lý.

"Dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, hạ tầng hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng cao của các doanh nghiệp", ông Duy nói.

Ông Hoàng Khánh Duy - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) (Ảnh: BT).

Để giải quyết những vướng mắc, tỉnh Lạng Sơn đề xuất Bộ NN&PTNT tăng cường đàm phán với phía Trung Quốc nhằm mở rộng danh mục các mặt hàng nông sản được phép xuất khẩu và đơn giản hóa quy trình kiểm dịch.

Đồng thời, tỉnh khuyến nghị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cửa khẩu thông minh, hiện đại hóa hạ tầng và quy trình thông quan để nâng cao hiệu suất xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, ông Duy nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương và doanh nghiệp trong việc điều tiết hàng hóa phù hợp, tránh tình trạng ùn ứ, nhất là trong những dịp cao điểm.

Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình đóng gói, vận chuyển để đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong thương mại biên giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam.

Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong năm 2023 và 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt 16 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này vượt xa giai đoạn 2020-2021 khi chỉ đạt 29-40%.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh những cơ hội khi các thủ tục thông quan và xuất nhập khẩu được cải thiện, cả 2 bên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, biến đổi khí hậu cùng những quy định kỹ thuật và thủ tục xuất nhập khẩu ngày càng khắt khe đang đặt ra nhiều thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông, tình hình chính trị bất ổn, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu tiếp tục là những yếu tố gây cản trở. Thêm vào đó, xu hướng giảm cầu trên thị trường thế giới, cùng các quy định ngày càng khắt khe về kỹ thuật và thủ tục xuất nhập khẩu từ phía Trung Quốc, cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với doanh nghiệp Việt Nam.

"Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây vừa là áp lực, vừa là cơ hội để chúng ta cải thiện năng lực cạnh tranh", ông Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, một số mặt hàng tiềm năng như bưởi, bơ, na, vú sữa và dược liệu hiện vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Hạn chế trong việc tổ chức sản xuất, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với thương lái và cơ sở chế biến là nguyên nhân làm giảm hiệu quả khai thác thị trường này.

Để giải quyết các vấn đề trên, Thứ trưởng đề xuất cần tăng cường đàm phán để mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc cấp mã số vùng trồng và vùng nuôi đạt chuẩn.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin về vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.

"Ngoài việc duy trì giao thương truyền thống qua biên giới đất liền, chúng ta cần nghiên cứu phát triển các kênh phân phối đến thị trường phía Bắc Trung Quốc và mở rộng mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng cuối cùng", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

PV (t/h)