ĐỜI SỐNG DOANH NGHIỆP

Thương hiệu xà bông Việt: Góc nhìn từ nhân vật lịch sử Trương Văn Bền

Admin

Ông Trương Văn Bền là một trong những nhà công nghiệp người Việt đầu tiên ở miền Nam.

Từ đầu thế kỷ, với cuộc vận động Minh Tân của ông Trần Chánh Chiếu cùng nhiều đồng sự, khuyến khích người Việt Nam tham gia phát triển công kỹ nghệ nhằm nêu cao ý thức tự cường, song như chúng ta đã biết, chính quyền thực dân coi cuộc vận động này như một hệ ý thức chống lại chính sách cai trị của nhà nước Pháp tại Việt Nam, nên chúng ra sức cản trở.

Một sản phẩm mang đúng tinh thần của người Việt ở Sài Gòn trước 75

Do vậy, nhiều chủ trương tiến bộ sớm có của cuộc Minh Tân đã không thực hiện được.

Trên thực tế, những cơ sở công nghiệp non trẻ ở miền Nam từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 30 vẫn là sự độc chiếm của một số nhà tư bản người Pháp và người Hoa.

Ông Trương Văn Bền xuất thân từ trường trung học Chasseloup Lauba (nay là trường Lê Quý Đôn), với vốn tiếng Pháp khá vững vàng, ông đã tự học tiếp về kỹ nghệ và kinh doanh qua các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng của Au, Mỹ. Năm 1930, tại chợ Lớn, đường Quai du Cambodge (nay là đường Kim Biên), ông lập ra cơ sở sản xuất xà bông lấy tên là Hãng xà bông Việt Nam.

Chúng ta còn nhớ, thập niên 30 hai tiếng Việt Nam còn chưa chính thức được gọi cho nước ta trên bản đồ thế giới. Thực dân Pháp chia nước ta ra làm ba kỳ : Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (Tonkin, Annam, Cochinchine) gộp với Lào và Campuchia thành Liên bang Đông Dương. Người Pháp vẫn gọi dân miền Nam là “Dân tộc Annam, quốc tịch Nam Kỳ” (Race annamite nationalité conchinchinoise).

Nhắc lại điều này để thấy rằng, khi đặt tên cho cơ sở sản xuất của mình là Hãng xà bông Việt Nam, ông Bền là người có ý thức nêu cao lòng yêu nước, dám chấp nhận những khó khăn từ phía chính quyền thực dân.

Thời đó, xà bông giặt đã là món hàng thông dụng nhà nào cũng xài. Hãng xà bông giặt Marseille của Pháp đang độc chiếm một thị trường béo bở gần ba mươi triệu dân, chưa kể Lào và Campuchia. Xà bông Việt Nam ra đời đã mau chóng đánh bại xà bông Marseille khỏi thị trường nội địa, nhờ sử sụng nguyên liệu dầu dừa có sẵn trong nước lại sản xuất tại chỗ, giá thành rẻ hơn rất nhiều trong khi chất lượng cũng không thua kém. Người tiêu dùng mau chóng quen thuộc với loại xà bông mới do người Việt Nam sản xuất, mà họ vẫn gọi một cách giản tiện là “xà bông đầu hình”, vì mỗi cục xà bông, dù lớn nhỏ, đều có hình nổi đầu phụ nữ. Lúc đầu xà bông được trình bày dưới dạng cục vuông, nhiều kích cỡ : 125g, 250g, 500g. Về sau, để rút ngắn thời gian xuất xưởng, hạ giá thành và tiện lợi hơn cho người tiêu dùng, xà bông được 36 đổ thành dạng cây dài 20 – 40cm, nặng 0,5kg, 1kg. Người mua đem về tự cắt lại thành bánh lớn nhỏ tuỳ thích.

Về vấn đề phân phối và xây dựng hệ thống đã có từ rất lâu. Đó là một bài học về quảng cáo, kinh doanh quý giá dành cho người trẻ học tập

Ông Trương Văn Bền đã dày công tổ chức một mạng lưới đại lý và hệ thống giao hàng thật hoàn hảo. Một đội xe vận tải với bảng quảng cáo hai bên hông, xuôi ngược từ Sài Gòn đến miền Trung, Tây Nguyên và Lục tỉnh. Không kể những đại lý lớn nhận khối lượng hàng nhiều, cả những đại lý nhỏ mỗi lần nhận năm, mười k hãng cũng chịu khó đưa hàng tận nơi.

Về sau hãng còn sản xuất thêm nhiều mặt hàng mỹ phẩm và xà bông chất lượng cao, trong đó có một mặt hàng nổi tiếng và tồn tại đến mấy mươi năm, đó là xà bông thơm Cô Ba, ngoài hộp giấy in màu, trang trí bông cúc và hoa hồng với chữ Xà bông Việt Nam, còn có chân dung người phụ nữ nằm ngay giữa hộp với búi tóc tiêu biểu cho người phụ nữ miền Nam thời ấy. Về chân dung in trên hộp này, học giả Vương Hồng Sến trong cuốn Sài Gòn năm xưa, đoạn kể về các giai nhân sắc nước hương trời thời ấy, có viết : “Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia hồi Tây mới đến, có Cô Ba con thầy Thông Chánh là đẹp không ai bì, không răng giả, không ngực keo su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt ướt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà Thơ Dây Thép và một hiệu xà bông xin phép hoạ hình làm mẫu rao hàng xà bông Cô Ba”.

Ông Trương Văn Bền còn đặc biệt quan tâm đến đời sống công nhân làm việc cho hãng. Để an cư lâu dài cho công nhân, ông cho xây dựng một cư xá tại khu vực Ngã Sáu Chợ Lớn (nay là góc đường Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự). Ngoài ra ông còn là mạnh thường quân của ngành thể dục : Ông biếu vô điều kiện một căn phố tại cư xá Ngã Sáu cho huấn luyện viên Phạm Văn Tươi làm nơi đào tạo lực sĩ đẹp cho thanh thiếu niên.

Một điều thật đáng ghi nhận là, cho đến nay, nhiều sản phẩm do người Việt Nam làm vẫn thích mang những nhãn mác Tây, Tàu ngoại lai, trong khi từ năm 1930 xà bông do ông Trương Văn Bền sản xuất ra đã mang tên Xà bông Việt Nam.

Duy Kỳ