KINH TẾ

Tiền lớn “đi không dấu, nấu không khói” và trường hợp Sacombank

Kỳ Văn

Sẽ là hiện tượng nếu tổ chức nào đó đổ tiền vào nắm sở hữu chi phối tại Sacombank mà lại đúng như tin đồn "nhộn nhạo" hết năm này qua năm khác…

Sacombank đã bước sang năm thứ tư thực hiện đề án tái cơ cấu với những kết quả ấn tượng.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, thị trường rộ tin đồn sắp có thay đổi cơ cấu cổ đông lớn và chi phối tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank ).

Những ngày gần đây, khả năng trên lại được nhiều nhà đầu tư bàn luận, khi mà ĐHĐCĐ thường niên 2021 đến gần.

Nhiều lần bạn đọc, nhà đầu tư đặt câu hỏi tới BizLIVE liên quan đến tin đồn kiểu trên, khả năng và thực hư. Thực tế thì hết năm này qua năm khác, ngay cả một số tổ chức bị dính tin đồn liên quan từng lên tiếng phủ nhận, cho đến nay vẫn chưa có gì xẩy ra.

Theo đó, tin đồn về thay đổi lớn cơ cấu cổ đông và sở hữu chi phối tại Sacombank vẫn chỉ là tin đồn, đã kéo dài ít nhất ba năm qua.

"Đi không dấu, nấu không khói"

Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thông tin sự kiện cùng Công ty Cổ phần Thaiholdings trao tặng số tiền 21 tỷ đồng cho Quỹ mua Vaccine phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Thụy - "đại diện Cổ đông lớn của LienVietPostBank và Thaiholdings" được giới thiệu. Thông tin này lập tức gây bất ngờ trên thị trường vì thời gian qua các giao dịch, giá trị giao dịch, tỷ lệ sở hữu, các thay đổi liên quan trong cơ cấu cổ đông lớn và tỷ lệ sở hữu… tại ngân hàng này không có tiết lộ cụ thể nào.

"Đi không dấu, nấu không khói". Trường hợp LienVietPostBank là một thực tế cho thấy nhà đầu tư lớn đã âm thầm xuống tiền, để rồi chỉ lộ diện vào một ngày đẹp trời mà họ chủ động xuất hiện.

Tất nhiên, trước đó thị trường cũng đã nhìn về sự hiện diện của đại diện Thaiholdings tại lễ chào sàn HoSE của LienVietPostBank, hay ngân hàng này chuyển hội sở về tòa nhà của Thaiholdings… Nhưng, trước khi có các dấu hiệu, tuyệt nhiên không có những thông tin "nhộn nhạo" nào trên thị trường.

Không chỉ tại LienVietPostBank, cũng đầu năm nay, sự xuất hiện của hàng loạt nhân sự liên quan đến Sunshine Group nắm giữ các chức vụ quan trọng tại Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) mới chính thức hé mở một thay đổi đáng chú ý nữa trong hệ thống sở hữu các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trước đó, tin đồn về thay đổi tại Kienlongbank có phảng phất, nhưng nhanh chóng đến điểm cụ thể hóa kết quả qua phiên họp đại hội đồng cổ đông cuối tháng 1 vừa qua.

Những trường hợp trên cho thấy, những nhà đầu tư tổ chức lớn và chuyên nghiệp, các thương vụ xuống tiền lớn và thậm chí hàng nghìn tỷ đồng hẳn không dễ để rộ những tin đồn kiểu như "cả thị trường biết". "Đi không dấu, nấu không khói", khi họ lần lượt xuất hiện chính thức, "khói" bắt đầu bay lên thì hẳn các thương vụ đã chủ động "nấu" xong rồi. Còn đây thì ngược lại.

Không đơn giản như… tin đồn

Giữa năm ngoái, tin đồn kiểu trên rộ lên, đến mức đại diện lãnh đạo Sacombank đã phải chủ động lên tiếng tại cuộc gặp gỡ báo chí rằng chính họ cũng không nắm rõ, ngoại trừ mong muốn và đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét việc xử lý phần sở hữu đang được nhận ủy quyền (khoảng 53% cổ phần theo thông tin cập nhật trước đây).

Gần đây, trong một trao đổi bên lề với báo chí, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nêu quan điểm chung rằng: Với những trường hợp như vậy, các cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan phải tuân thủ các quy định pháp lý trong giao dịch. Còn nhà quản lý chỉ thừa nhận và xác nhận trong thẩm quyền của mình, khi có thay đổi lớn phải báo cáo, dòng tiền giao dịch phải kiểm tra, các bên tuân thủ đúng, thực hiện đúng quy trình, báo cáo để công bố.

Tại Sacombank, tình huống có thay đổi cơ cấu cổ đông lớn có gốc rễ từ hơn 5 năm trước. Đó là từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin nhận ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn khoảng 53% số cổ phần từ tháng 8/2015.

Ngay lập tức, tại thời điểm đó, tính vững chắc của "ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn" đã trở thành một điểm chú ý, nhất là khi đặt trong khả năng tạo được thay đổi về sở hữu, cũng như tiềm ẩn rủi ro ở chủ sở hữu của lượng cổ phần được ủy quyền đó. Mặt khác, nếu cổ phần có liên quan đến các vụ việc nào đó đang phải xử lý về pháp lý, việc thay tên đổi chủ cũng không hề đơn giản.

Theo đó, đã suốt 5 năm qua, giai đoạn Sacombank khó khăn nhất, việc tháo gỡ phần sở hữu trên, liên quan đến xử lý nợ xấu vẫn chưa thể thực hiện. Còn đến nay, ngân hàng này đã tự vượt qua giai đoạn khó khăn nhất đó và đang trở lại rõ rệt.

Ấn tượng tự thân Sacombank

Sacombank đã bước sang năm thứ tư thực hiện đề án tái cơ cấu. Không có nguồn lực mới, nguồn vốn mới theo giao dịch hay chuyển nhượng nào đó. Họ tự thân tái cơ cấu để đã và đang tạo những thay đổi ấn tượng.

Xuyên suốt từ đó đến nay, điểm nổi bật nhất tại ngân hàng này là quy mô tiền gửi và tổng tài sản vẫn gia tăng đều đặn, thậm chí ở mức độ cao hơn những ngân hàng bình thường khác. Tiền gửi liên tục gia tăng phản ánh niềm tin của khách hàng và thị trường; tổng tài sản gia tăng phản ánh vị thế ảnh hưởng trong hệ thống và năng lực cạnh tranh nắm thị phần.

Khó khăn lớn nhất là về nợ xấu, Sacombank cũng liên tục đạt kết quả xử lý ấn tượng những năm qua. Đến năm 2020, ngân hàng này tiếp tục thu hồi được hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu, tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm 16,7% so với 2019 và tỷ lệ nợ xấu được kéo về 1,6%.

Tuy nhiên, khó khăn và thử thách vẫn còn lớn. Điển hình như việc tiếp tục dồn lực trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu còn nặng phía trước. Kết năm 2020, Sacombank vẫn đang là ngân hàng thương mại có lãi dự thu lớn hàng đầu hệ thống; một mặt tạo áp lực nhất định trong phân bổ, mặt khác có thể lý giải cho việc nếu năm nay tiếp tục chưa được chia cổ tức.

Việc chưa được chia cổ tức, chưa xử lý được vấn đề cơ cấu cổ đông lớn như tin đồn vẫn "xoáy vào" thời gian qua cũng chính là hạn chế lớn nhất tại Sacombank hiện nay.

Bởi lẽ, như trên, mặc dù tự thân tái cơ cấu với quy mô tổng tài sản Sacombank không ngừng gia tăng, song quy mô vốn điều lệ lại không thể cải thiện và khó nâng lên. Nút thắt ở đây khiến ngân hàng không thể tăng vốn như các thành viên khác qua huy động nguồn lực cổ đông hiện hữu, chia cổ tức bằng cổ phiếu…

Đã 5 năm qua, kể từ sau sáp nhập SouthernBank, vốn điều lệ của Sacombank vẫn giữ nguyên 18.852 tỷ đồng. Quy mô này trở nên mỏng đi khi đệm cho tổng tài sản không ngừng tăng lên, khi cạnh tranh trong hệ thống không ngừng gia tăng. Bởi sau 5 năm, vị thế về quy mô vốn của Sacombank đã không còn tương quan với những thành viên hàng đầu như trước, như với Techcombank, VPBank, MB…; thậm chí một số ngân hàng thương mại tầm trung đã thu hẹp khoảng cách, thậm chí ngang và vượt qua Sacombank.

Theo đó, để tiếp đà nỗ lực tự thân tái cơ cấu với kết quả ấn tượng ba năm qua, nút thắt về cơ cấu sở hữu, về khả năng được trả cổ tức bằng cổ phiếu tại ngân hàng này chờ được gỡ để bắt nhịp các tương quan trong hệ thống, cũng như thúc đẩy mạnh hơn sự trở lại của một ngân hàng hàng đầu một thời.