Tòa Thánh Tây Ninh – Công trình kiến trúc tôn giáo vĩ đại
Nếu ai đã có dịp đặt chân đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh cũng đều phải trầm trồ và ngỡ ngàng trước lối kiến trúc độc đáo tọa lạc trên đường Phạm Hộ Pháp, Thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Nếu như những công trình lớn đều cần có kiến trúc sư thiết kế, xây dựng theo bản vẽ, Tòa Thánh Tây Ninh được Giáo chủ Phạm Công Tắc (Đức Hộ pháp) xây dựng không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động, người thợ nghĩ đến đâu làm đến đó, không có bất cứ một bản vẽ thiết kế nào.
Tòa Thánh Tây Ninh ngày khởi công được đánh dấu là 16/3/1927. Tuy nhiên vì nhiều lý do, mãi đến năm 1931, công trình mới chính thức được động thổ và được khởi công năm 1933.
Sau 3 lần xây dựng dở dang vì nhiều lý do, ngày 14/2/1936 ông Phạm Công Tắc - Giáo chủ đạo Cao Đài - đứng ra trực tiếp chỉ huy công trình. Lần xây dựng thứ 4 này, Giáo chủ Phạm Công Tắc huy động 500 tín đồ nam, nữ lập đàn tuyên thệ đồng trinh giữ tịnh khiết suốt thời gian trực tiếp tham gia xây dựng. Những tín đồ này phải thề không lấy chồng, lấy vợ. Công trình được hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành.
Tòa Thánh Tây Ninh được phác họa thành 3 phần: Bát Quái đài, Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài. Cả 3 tòa kiến trúc này dính liền với nhau tạo thành Tòa Thánh, có chiều ngang 27 mét và chiều dài 135 mét, rộng hơn 2.000 m2 được xây dựng trên tổng diện tích khuôn viên khoảng gần 12km2.
Trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay và không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động. Điều lạ là, rất nhiều người là nông dân chưa từng học qua trường lớp mỹ thuật nào, họ cũng không vẽ trước bản kiến trúc mà xây dựng theo sự hướng dẫn của cơ bút mà vẫn tạo tác thành công hàng chục ngàn họa tiết điêu khắc, hàng chục bức tượng đạt trình độ mỹ thuật cao.
Bát quái đài là khu vực nằm ở phía cuối của Đền Thánh, là phần đuôi của Long Mã hướng thẳng về phía Đông. Bát quái đài có phần mái được sơn màu vàng, có 8 cột trụ rồng xếp thành hình Bát Quái. Ở giữa là quả Càn Khôn với đường kính 3,3m. Đây cũng chính là phần đặc biệt của Tòa Thánh so với các thánh thất khác của Đạo Cao Đài.
Còn riêng ở Tòa Thánh, Thiên Nhãn sẽ được vẽ trên khối cầu lớn, gọi là quả Càn Khôn, biểu trưng cho vũ trụ quan của đạo. Tâm của Càn Khôn đặt một ngọn đèn tên là Thái Cực, được giữ sáng suốt ngày đêm. Xung quanh hình vẽ Thiên Nhãn trên Càn Khôn, còn có 3.072 vì sao thể hiện cho 72 quả địa cầu cùng với 3.000 thế giới.
Nghinh Phong Đài cao 17m, trên có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông, hàm nghĩa “Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông” (Đạo xuất phát từ phương Đông, truyền qua phương Tây, rồi cũng trở về phương Đông).
Nằm trên Tịnh Tâm Đài ở mặt tiền, Phi Tưởng Đài như cái trán với hai cửa được coi như hai con mắt. Giữa hai cửa là biểu tượng Thiên Nhãn. Trên cao có tượng Phật ngồi trên lưng hổ và tòa sen. Biểu tượng con hổ tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài.
Bức tranh Cao Đài Tam Thánh (ba vị Thánh của đạo Cao Đài) ở lối vào chính của Tòa Thánh, do Họa sĩ Lê Minh Tòng vẽ năm 1947. Từ trái sang phải: Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ðạo Cao Ðài là tôn giáo do người Việt sáng lập vào năm 1926 tại tỉnh Tây Ninh, biểu tượng là Thiên Nhãn. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, Chúa Giêsu, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm... Tòa thánh Tây Ninh là nơi thờ đạo chính của đạo này.
Trên thực tế, đến nay, người dân theo tôn giáo Cao Đài có 579.317 tín đồ, 1.925 chức sắc và 8.293 chức việc, chiếm gần 50% dân số của tỉnh, với 146 cơ sở thờ tự. Được biết, Giai đoạn trước khi được Chính phủ “trao pháp nhân” công nhận Hiến chương năm 1997, đạo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh trên địa bàn tỉnh có khoảng 283.000 tín đồ, chiếm hơn 35% dân số của tỉnh, cùng 2.826 vị chức sắc, chức việc và 92 cơ sở thờ tự.
Mai Anh