Vietcombank trở lại vị trí lãi lớn nhất trong quý 1/2024 với lợi nhuận đạt hơn 10.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 2/5, gần như tất cả các ông lớn của các ngành đã công bố BCTC quý 1/2024, tạo nên một bức tranh hoàn thiện về quý đầu năm nay. Theo dữ liệu từ nền tảng FiinTrade, tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của 787 doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 14,8% so với quý I/2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của quý IV/2023 là 48,6%, mặc dù quý I/2023 là quý đáy của lợi nhuận trong 2 năm trở lại đây.
Trong đó, các công ty chứng khoán, doanh nghiệp ngành thép đa phần lại ghi nhận những kết quả tích cực. Ngoài ra, một số nhóm doanh nghiệp trụ khác là bán lẻ hay phân bón đã có một cuộc trở lại "ngoạn mục" trong quý vừa qua khi ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh.
Nhóm chứng khoán tiếp tục đà thăng hoa của năm 2023 khi đón nhận nhiều kết quả ấn tượng trong quý đầu năm 2024. Theo báo cáo của Fiin Trade, nhóm dịch vụ tài chính đã có mức tăng trưởng lợi nhuận đạt con số hơn 122%.
Trong đó, phải kể đến những công ty như Chứng khoán Trí Việt (TVB) hay Chứng khoán VIX (VIX) ghi nhận mức tăng trưởng 4 chữ số so với cùng kỳ năm trước. Một số cái tên như Chứng khoán Everest, Chứng khoán Pinetre còn đã thành công trong việc chuyển từ lãi sang lỗ.
Kém ấn tượng hơn một chút, có đến 11 công ty chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng 3 chữ số. Có thể kể đến nhiều cái tên lớn trong ngành như Chứng khoán Vietinbank, SHS, DSC, VNDirect, VPS, TCBS hay Vietcap... Trong đó, TCBS tiếp tục là công ty chứng khoán lãi lớn nhất với con số 1.160 tỷ đồng.
Ngành thép cũng là một ngành tiếp theo duy trì được đà thăng hoa của năm 2023 sau giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023 khó khăn. Những ông lớn trong ngành là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) hay Tôn Đông Á (GDA) đều ghi nhận lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Hòa Phát đã lấy lại vị thế của một doanh nghiệp lớn khi báo lãi trước thuế hơn 3.261 tỷ đồng, tăng 513% so với năm trước.. Công ty vẫn thường xuyên báo lỗ như Gang thép Thái Nguyên (TIS) cũng có lãi trở lại. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại ghi nhận lợi nhuận giảm nhưng chưa có ai báo lỗ.
Nhóm ngành bán lẻ - phân phối đã có sự trở lại mạnh mẽ từ đầu năm 2024 sau năm 2023 sụt giảm nghiêm trọng vì lạm phát và người dân thắt chặt chi tiêu. Theo Fiin Trade, mức lãi của ngành bán lẻ trong quý vừa qua tăng 41%.
FPT Retail (FRT) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất với con số 4.187%, đạt 89 tỷ đồng với điểm tựa Long Châu.
Thế giới Di động (MWG) sau quãng thời gian dài tái cấu trúc cũng đã báo lãi tăng 659% lên 1.206 tỷ đồng. Digiworld (DGW) hay Petrosetco (PET) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng. Trong khi đó, PNJ (PNJ) lại có sự giảm nhẹ.
Nhóm ngành phân bón cũng đã bắt đầu tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024 sau năm 2023 giảm mạnh. Trong đó, ông lớn DAP Vinachem (DAP) ghi nhận mức lợi nhuận tăng 4 chữ số, đạt 33 tỷ đồng. Một loạt ông lớn như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), Phân bón Bình Điền (BFC) hay Đạm Hà Bắc (DHB)... cũng báo lợi nhuận tăng.
Nhóm vẫn 'gánh' lợi nhuận của sàn chứng khoán Việt Nam là ngành ngân hàng lại đón nhận kết quả trái chiều trong quý 1/2024. Tuy nhiên, theo Fiin Trade lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng vẫn tăng 9,6%.
Trong đó, một số ông lớn như Vietcombank (VCB), ACB (ACB), VIB (VIB), MB (MBB)... lại ghi nhận lợi nhuận giảm. LPBank (LPB) có sự tăng trưởng ấn tượng nhất của ngành ngân hàng khi báo lợi nhuận đạt 2.886 tỷ đồng, tăng 84%.
NỖI THẤT VỌNG MANG TÊN BẤT ĐỘNG SẢN
Trong quý 1/2024, nhóm ngành để lại nhiều nỗi thất vọng nhất cho nhà đầu tư là nhóm bất động sản với nhiều ông lớn ghi nhận lợi nhuận giảm sâu, thậm chí là lỗ.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của 60/130 doanh nghiệp bất động sản (đại diện cho 74,4% vốn hóa toàn ngành) giảm 83% so với cùng kỳ do Vinhomes (VHM) không còn ghi nhận thu nhập từ bán buôn dự án như cùng kỳ. Nếu không tính đến Vinhomes, lợi nhuận của 59 doanh nghiệp bất động sản còn lại giảm -15,1% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của nhóm bất động sản nhà ở như Novaland, Khang Điền, DIG, Nam Long...
Trọng Hiếu