Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP HCM tại buổi họp báo định kỳ chiều 23-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 22-9, thành phố ghi nhận 354.193 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố; đang điều trị cho 40.973 người.
Vẫn truy vết quản lý F1
Theo ông Phạm Đức Hải, trong ngày 22-9 có 3.773 bệnh nhân nhập viện, 3.258 bệnh nhân xuất viện (tổng số cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay là 180.211 bệnh nhân), 175 trường hợp tử vong (13.982 ca cộng dồn).
Cũng theo ông Hải, nếu ngày 19-9, thành phố có 2.342 bệnh nhân nặng đang thở máy thì ngày 22-9 chỉ còn 2.056 bệnh nhân. Đó là một tín hiệu lạc quan.
Đáng chú ý, từ 18 giờ ngày 21-9 đến 18 giờ ngày 22-9, thành phố đã lấy 821.999 mẫu xét nghiệm. Trong đó, 4.861 mẫu đơn và 4.982 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 794.397 mẫu. Từ đầu dịch đến nay, đây là số mẫu xét nghiệm kỷ lục mà TP HCM lấy được trong 1 ngày.
Thông tin về công tác xét nghiệm diện rộng, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết thành phố đang có những dấu hiệu tích cực sau ngày xét nghiệm diện rộng đầu tiên. Tỉ lệ dương tính ở vùng xanh là 0,1%; vùng cận xanh 0,3%; vùng vàng 0,3%; vùng cam 0,5%; vùng đỏ 0,7%.
Người dân tại “vùng xanh” ở huyện Hóc Môn, TP HCM được nhân viên y tế hướng dẫn test nhanh Covid-19. Ảnh: HUẾ XUÂN
Về truy vết, quản lý F1, bác sĩ Tâm cho biết thành phố vẫn duy trì, song ít hơn trước. F1 hầu như ở cùng nhà với F0 nên được quản lý song song với F0. Ngoài ra, ở "vùng xanh", số ca nhiễm giảm, việc đi lại thoáng hơn nên khâu truy vết F1 sẽ được tăng cường và cách ly như trước đây. Hiện F1 được cách ly tập trung là 1.600 người và cách ly tại nhà 19.500 người.
Thông tin thêm về công tác xét nghiệm cho lực lượng mai táng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết nhân viên dịch vụ mai táng được xét nghiệm như người bình thường khác.
Nạn nhân tử vong do Covid-19 đã có lực lượng quân đội phụ trách. Dịch vụ mai táng chủ yếu phụ trách trường hợp tử vong không do Covid-19. Các công ty dịch vụ mai táng gắn kết với bệnh viện và có hợp đồng để xử lý thi hài sau khi qua đời. Do đó, các bệnh viện sẽ hỗ trợ đối tượng này.
Về chăm sóc F0 tại nhà, theo bà Mai, đây là mô hình của TP HCM được Bộ Y tế đánh giá rất cao, hướng đến mục tiêu giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách chăm lo cho F0 tại nhà như: Cung cấp túi thuốc A-B-C, tặng túi quà, chăm sóc tinh thần, mạng lưới thầy thuốc đồng hành gồm 1.500 bác sĩ tư vấn. Đặc biệt, chỉ có TP HCM trong thời gian sớm nhất và nhanh nhất, đồng loạt thành lập 500 trạm y tế lưu động theo dõi F0 tại nhà với sự hỗ trợ của lực lượng quân y.
Về việc thành lập "Tổ hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà" bên cạnh các tổ quân y, trạm y tế là động thái tăng cường và hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà. Cơ cấu của tổ có bí thư, phó bí thư Đảng ủy phường/xã, hội phụ nữ - thường xuyên gọi điện, chăm lo, đáp ứng các nhu cầu của người bệnh kể cả về tinh thần, nhằm có sự quan tâm tốt nhất cho người dân.
Giải thích về thông tin TP Thủ Đức ngưng tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết TP Thủ Đức chỉ tạm dừng tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm cố định của 34 phường để tập trung xét nghiệm từ ngày 22 đến 30-9. Chủ tịch UBND 34 phường sẽ tiếp tục rà soát trường hợp người dân trên địa bàn chưa tiêm mũi 1 và đến thời điểm tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 Vero Cell để mời đến tiêm tại các trạm y tế phường.
"Có thể người dân hiểu nhầm, chúng ta không ngưng tiêm vắc-xin tại TP Thủ Đức" - bà Mai nhấn mạnh.
Tiếp tục kiểm soát lưu thông
Thông tin về tiến độ tiếp nhận, giải quyết giấy phép lưu thông cho người lao động, công chức, viên chức, cán bộ (NLĐ-CNVC-CB) đi làm sau ngày 30-9, thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết đơn vị đã tiếp nhận danh sách từ 17 sở, ngành với tổng số trên 7.500 người.
Công an thành phố đang cập nhật vào phần mềm quản lý VNEID để kiểm soát lưu thông trên đường. Để hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và việc lạm dụng giấy thông hành không đúng mục đích, Công an thành phố đề xuất phương án giải quyết cho NLĐ-CNVC-CB được phép lưu thông đến trụ sở làm việc theo thời gian từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ và 16 giờ 30 phút đến 18 giờ hằng ngày và lưu thông từ nơi ở đến trụ sở làm việc.
Với các trường hợp ra đường thực hiện nhiệm vụ (ngoài khung giờ và tuyến đường), thượng tá Huỳnh Quang Tuyến cho biết vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp (trường hợp đổi ca, bị nhiễm SARS-CoV-2 thì đổi giấy). Trường hợp đặc biệt thì Công an thành phố cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.
Liên quan đến việc tập huấn xét nghiệm cho lực lượng shipper, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết đã tạo tài khoản cho 33/34 doanh nghiệp quản lý shipper, tạo kênh liên lạc giữa các sở và tổ kỹ thuật, bảo đảm vận hành trơn tru việc khai báo kết quả xét nghiệm. Đến nay, 19/33 doanh nghiệp (hơn 60%) đã thực hiện đầy đủ khai báo điện tử, cập nhật kết quả.
Hơn 7 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin
Bộ Y tế cho biết ngày 23-9, nước ta ghi nhận 9.472 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.344 ca ngoài cộng đồng. Số ca mắc mới giảm 2.060 ca so với ngày trước đó. Những địa phương giảm nhiều nhất là Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai... Cùng ngày, có thêm 6.226 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 493.488. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.696 người.
Trong ngày, cả nước có 236 ca tử vong. Đến nay, nước ta đã tiêm được hơn 36,1 triệu liều vắc-xin, trong đó hơn 7 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
N.Dung
TP HCM tiếp tục nhận tiêm vét
Ngày 23-9, HCDC cho biết phụ nữ mang thai là nhóm cần được quan sát và thận trọng trong việc tiêm ngừa. Sở Y tế đã phân bổ hơn 100.000 liều theo nhu cầu của các bệnh viện có khoa sản để phục vụ tiêm cho phụ nữ mang thai đủ điều kiện tiêm ngừa.
Các quận, huyện vẫn tiếp tục nhận tiêm vét những trường hợp chưa tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người đủ thời gian. Ngày 22-9, thành phố tiêm thêm được 54.513 người và tính đến ngày 22-9 đã tiêm tổng cộng 8.982.276 mũi, trong đó có 6.780.069 mũi 1 và 2.202.207 mũi 2. Thành phố có 2.311.566 hộ dân, trong đó 401.234 hộ thuộc "vùng đỏ", 181.213 hộ thuộc "vùng cam". Tiến độ xét nghiệm đợt 1 của giai đoạn từ ngày 21 đến 30-9: "vùng đỏ" và "vùng cam" đã lấy mẫu đạt 49%, tỉ lệ dương tính là 0,5%.
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho shipper giao hàng. Ảnh: HUẾ XUÂN
Cũng theo HCDC, nhằm tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay cho đến ngày 30-9, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam đã ký Công văn khẩn số 6776/SYT-NVY về việc triển khai công tác xét nghiệm giám sát thường xuyên. Theo đó, toàn bộ học sinh, giáo viên, CB-CNV tại trường học, nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện và toàn bộ CB-CNV lưu trú tại các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người như doanh trại quân đội, công an, trại giam... sẽ được lấy mẫu bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp với tần suất 7 ngày/lần.
Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ lấy mẫu toàn bộ nhân viên, tiểu thương bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể), tần suất 3 ngày/lần. Tài xế, phụ xe hàng sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ người theo xe mỗi ngày. Tại sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) cho nhân viên, người phục vụ với tần suất 3 ngày/lần.
Tại bệnh viện, bệnh nhân đến khám lần đầu sẽ được thực hiện 1 lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trước khi vào khám. Lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, shipper giao hàng được xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) từ 1-3 ngày/lần, tùy đặc điểm dịch tễ khu vực.
Đối với khối cơ quan hành chính - sự nghiệp, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất - kinh doanh sẽ lấy mẫu toàn bộ CB-CNV bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể).
Ng.Thạnh