ĐỜI SỐNG

TP HCM: Thành con nợ vì đứng thay giấy tờ đất cho cán bộ OCB- CN Tân Bình

Kỳ Văn

Vì tin lời, anh H. nhận đứng tên chủ quyền thửa đất trồng lúa, thay làm thủ tục vay vốn và thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng. Hậu quả, anh H. trở thành đối tượng nợ xấu ngân hàng và nguy cơ bị cưỡng chế tài sản.

Đứng thay giấy tờ, “gánh” nợ xấu

Phản ánh tới Công lý & Xã hội, anh Nguyễn Văn H. (sinh năm: 1986, phường 5, quận Tân Bình, TP HCM) cho hay, trước đây anh có quan hệ quen biết với bà Vương Thị Thùy Trang (sinh năm: 1974, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM).

Tháng 12/2021, bà Trang nhờ anh H. đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 540,1m2 thuộc thửa 961, tờ bản đồ số 10, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM. Theo anh H., khi nhờ đứng tên thì bà Trang cho biết sẽ chuyển mục đích lên đất ở, rồi nhờ anh H. làm thủ tục vay vốn ngân hàng và ký hợp đồng thế chấp chính diện tích đất này vào ngân hàng thì xong nghĩa vụ. Bà Trang hứa trả phí 40 triệu đồng, nghĩ rằng sự việc đơn giản nên anh H. đồng ý.

Đơn tố cáo và Hợp đồng đứng tín dụng và khế ước nhận nợ 1,7 tỷ đồng thay của anh H.

Ngày 19/3/2021, anh H. đứng thay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và được cập nhật là chủ thể sử dụng đất tại GCN số DA 920413 do UBND huyện Củ Chi cấp. Ngày 30/12/2021, anh H. ký hợp đồng tín dụng số ST21039787/2021/CTB/HĐTD với Ngân hàng Phương Đông- Chi nhánh Tân Bình và sau đó ký hợp đồng số ST21039787/2021/CTB/HĐTD thế chấp quyền sử dụng đất trên. Anh H. khẳng định, số tiền anh đứng ra vay ngân hàng thay anh không được biết, nhóm người này tự làm tài khoản để ngân hàng giải ngân và họ tự động rút ra sử dụng.

Từ khi đứng tên giùm tới nay anh H. cũng không để ý gì. Tới cuối tháng 6 vừa rồi Bộ phận rà soát nợ ngân hàng Phương Đông gọi điện báo cho anh biết đã bị rơi vào tình trạng nợ xấu thuộc nhóm 2 do không trả tiền lãi đúng hạn, với số tiền gốc và lãi khoảng 40 triệu đồng. Nếu anh H. không đóng tiền cuối tháng 6 sẽ bị ngân hàng xếp vào nợ xấu nhóm 3. Theo quy định, người vay bị ngân hàng xếp vào 5 nhóm nợ xấu. Nợ xấu nhóm 2 được xếp vào diện nợ khó đòi, khiến việc vay tiền gặp nhiều khó khăn về sau. Điều này khiến anh H. vô cùng hoang mang, bởi đứng tên thay nhưng phải gánh nghĩa vụ trả nợ ngân hàng và trách nhiệm pháp lý.

Khi anh H. báo cho bà Trang thì bà Trang cho biết, diện tích đất anh H. đang đứng tên thay thực chất là đất của người có tên Trần Thanh Long. Theo anh H., bà Trang nói ông Long công tác tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông- Chi nhánh Tân Bình (OCB- CN Tân Bình).

Theo anh H. tới ngày 7/6/2022, ông Trần Thanh Long gọi điện cho anh đề nghị anh ủy quyền toàn bộ quyền sử dụng đất trên cho một người khác đứng tên do ông Long chỉ định. Anh H. cho rằng, việc ủy quyền vẫn mang trách nhiệm pháp lý nên không đồng ý mà chỉ đồng ý việc chuyển nhượng để chấm dứt liên quan. Lúc này ông Long nhắn tin cho anh H. rằng, nếu không đồng ý thì sẽ bị Ngân hàng kiện và sẽ bị thu giữ tài sản.

Anh H. đặt nghi vấn, giữa bà Trang và ông Long có sự câu kết với nhau, tìm đất nông nghiệp rẻ nhận chuyển nhượng để nhờ người đứng tên giùm, làm hồ sơ “đẹp” thế chấp vào ngân hàng lấy tiền và bỏ mặc người đứng tên gánh nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý.

Vi phạm luật, hậu quả khó lường

Theo lời anh H. khẳng định, anh đăng ký thường trú tại quận Tân Bình, không phải ở Củ Chi, không là đối tượng sử dụng đất trồng lúa trực tiếp theo quy định. Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật, anh H. không phải là đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo khoản 3, Điều 191, Luật đất đai 2013. Thế nhưng, không hiểu sao cơ quan chức năng huyện Củ Chi vẫn xét duyệt hồ sơ chuyển nhượng để anh H. đứng tên quyền sử dụng đất nêu trên.

Ngân hàng OCB- CN Tân Bình

Ngoài ra, căn cứ vào các hồ sơ do anh H. cung cấp, có dấu hiệu câu kết giữa ông Long và bà Trang cùng một nhóm người, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhờ đứng tên thay, sau đó làm hồ sơ để thế chấp vào Ngân hàng OCB- CN Tân Bình với giá trị cao sau đó “bỏ” hồ sơ rơi vào nợ xấu.

Nếu sự việc đúng bản chất như trên thì hành vi của nhóm cá nhân trên đã vi phạm luật đất đai, xâm phạm chính sách bảo vệ đất nông nghiệp, trong đó có nhóm đất chuyên trồng lúa ở địa phương. Về lâu dài sẽ gây bất ổn, tiêu cực về tình hình sử dụng đất lúa, đất nông nghiệp ở địa phương.

Ngoài ra, việc đất trồng lúa được định giá cao, để thế chấp ngân hàng và rơi vào nợ xấu, hệ quả cổ đông của ngân hàng sẽ là người phải gánh chịu khi ngân hàng phải xử lý tài sản để thu hồi nợ. Trong trường hợp này, đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng cho đối tượng hạn chế là người trực tiếp sản xuất tại địa phương. Có lẽ lúc đó giá chuyển nhượng chắc chắn sẽ không được định giá 4000.000 đồng/m2 như hồ sơ định giá tại Ngân hàng OCB- CN Tân Bình.

Ngày 27/6, phóng viên đã liên hệ làm việc với Ngân hàng OCB- CN Tân Bình. Xác nhận với phóng viên, bà Nguyễn Thị Xuân Hà- Bộ phận hành chính của chi nhánh ngân hàng xác nhận, ông Trần Thanh Long là giám đốc chi nhánh và ngân hàng cũng đã nhận được thông tin như phóng viên nêu. Hiện ông Long đã bị đình chỉ công việc tạm thời tại chi nhánh để xử lý vụ việc. Những nội dung phóng viên đề nghị làm rõ, bà Hà đã tiếp nhận và cho biết sẽ trình lãnh đạo ngân hàng phản hồi sau.

Câu hỏi đặt ra là quy trình định giá, nhận thế chấp đất trồng lúa tại Ngân hàng OCB- CN Tân Bình có sự khuất tất, lỏng lẻo? Trách nhiệm xử lý của OCB với cán bộ thuộc ngân hàng trong vụ việc trên ra sao?

Khoản 2, Điều 191, Luật Đất đai 2013 quy định trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất: “3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”.