TIÊU ĐIỂM

Trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên đối mặt với các vụ kiện đánh cắp giọng nói

Tuyết Trang

Công ty công nghệ AI Lovo có trụ sở tại bang California (Mỹ) đang phải đối mặt với vụ kiện đánh cắp giọng nói, khi bị cáo buộc vi phạm hợp đồng thực hiện dự án lồng tiếng vì đã bán các phiên bản giọng nói do AI tạo ra.

Theo đơn kiện được công bố hôm 17/5, diễn viên lồng tiếng Paul Skye Lehrman và một số diễn viên khác đã thỏa thuận với Công ty công nghệ Lovo, cung cấp bộ mẫu giọng nói 1 lần trong thời điểm năm 2019-2020. Tuy nhiên cho đến nay, các diễn viên này phát hiện giọng nói của mình được nhân bản và xuất hiện tại nhiều chương trình khác nhau trên các trang mạng xã hội mặc dù chưa bao giờ ghi âm cho các chương trình này.

Lehrman cho rằng, những người liên hệ với họ là nhân viên của Lovo, đã trình bày sai mục đích sử dụng mẫu giọng nói, sau đó bán hoặc gây quỹ nhờ phiên bản AI giọng nói của chính họ. Công ty Lovo bị cáo buộc đã quảng cáo, bán công nghệ giọng nói do AI tạo ra để sử dụng trong tiếp thị, giáo dục và giới thiệu sản phẩm mà không được phép của chủ nhân.

Những vụ kiện hiện nay đang làm tăng thêm làn sóng lo ngại về việc đào tạo các mô hình AI - Ảnh minh họa: Reuters

Hiện Lehrman và một số diễn viên lồng tiếng khác đang vận động những người có giọng nói, hoặc danh tính bị đánh cắp và mang ra sử dụng bất hợp pháp khởi kiện tập thể.

Vụ việc của các diễn viên lồng tiếng là vụ kiện mới nhất, trong một chuỗi các hành động pháp lý gần đây do các nhà sáng tạo, nhà văn và nghệ sĩ khởi xướng nhằm chống lại các công ty công nghệ, với cáo buộc sử dụng các tác phẩm chưa được họ cấp phép để đào tạo hệ thống AI.

Những vụ kiện hiện nay đang làm tăng thêm làn sóng lo ngại về việc đào tạo các mô hình AI, vốn đòi hỏi lượng dữ liệu khổng lồ, có thể vi phạm luật bản quyền và sở hữu trí tuệ.