ĐỜI SỐNG Văn hóa - Giải trí

Triển lãm “Bóng thời gian”  của họa sĩ Đặng Thị Phượng

Admin

Triển lãm sẽ khai mạc lúc 10h ngày 5/3 tại The World Artspace (21 Võ Trường Toản, Thảo Điền, TP.HCM) và kéo dào đến hết ngày 19/3/2023. Triển lãm trưng bày toàn bộ tranh sơn mài.

Huế có thể nói là một chủ đề mang tính đại tự sự (grand narratives/ grands récits) của văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, sáng tạo. Nếu tiếp cận ở khía cạnh này, làm sao cho thỏa đáng và ra chất, ra dáng Huế thì vô cùng khó khăn.

Họa sĩ Đặng Thị Phượng

Với Bóng thời gian, Đặng Thị Phượng chọn cách tiếp cận Huế ở khía cạnh tiểu tự sự (petit narratives), để câu chuyện đủ vừa vặn, đủ riêng tư và đủ tự do, để khỏi sợ bắt bẻ này kia. Phượng chắt lọc các họa tiết, câu chuyện từ trong kiến trúc, di sản Huế để tái truyền đạt, tái kiến thiết trong không gian mới, bằng phương pháp khơi gợi, không áp đặt lên tư tưởng, tình cảm của người xem.

Chính vì vậy, có nhiều cách nhìn lại, hoặc tìm về quá khứ, nhưng đa số vẫn ở dạng “ôn cố tri tân”. Muốn làm cho quá khứ sinh động ở hiện tại, thậm chí tái sinh trong hiện tại, cách tối ưu nhất là tái sáng tạo quá khứ bằng các tác phẩm nghệ thuật. Xem các loạt tranh sơn mài Vết tích, Bóng thời gian… của Đặng Thị Phượng, thấy rõ ý niệm tái sáng tạo này.

Tác phẩm "Bóng thời gian 01"

Đặng Thị Phượng (sinh năm 1983) từ Quảng Bình vào Huế học trường nghệ thuật, có những năm tháng thiếu thốn nhưng thơ mộng của thời sinh viên. Để rồi cùng bạn bè, thậm chí chân ái của mình, khám phá cố đô, cảm nhận những phôi pha và cả những vẻ đẹp vĩnh cửu. Xem một số tranh đầu tiên của Phượng vẽ về Huế, tự dưng nhớ những câu thơ của Thu Bồn:

“… Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ

Nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu

Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng

Mặt trời vàng và mắt em nâu”.

Đặng Thị Phượng chia sẻ: “Thời gian không dừng lại bao giờ, vạn vật rồi cũng thay đổi, các di tích văn hóa lịch sử quý giá mà bao thế hệ cha ông sáng tạo nên cũng trở nên rêu phong, phôi pha theo thời gian và chiến tranh. Chuỗi tác phẩm của tôi với chủ đề Bóng thời gian như là sự hoài niệm, là tiếng lòng lay động trước những nét đẹp cổ xưa trầm mặc với những hoa văn, họa tiết trang trí tinh nhã, bờ thành đổ nát, hoang tàn, những bức phù điêu lặng lẽ, những mái điện nghiêng xiêu trong các di tích kiến trúc thời Nguyễn ở Huế - nơi tôi đã sống và học ở trường mỹ thuật trong một thời gian dài của tuổi trẻ đầy hoài bão”.

Bóng thời gian 04

Đặng Thị Phượng nói tiếp: “Huế cố đô thơ mộng không chỉ bởi có dòng Hương êm đềm, núi Ngự xa xa mờ ảo và bao buổi chiều tà ửng tím da diết phía Tây, những cô gái áo dài tha thướt, xao động, mà ở đây còn có bao nét đẹp xưa ở thiên nhiên cây cỏ, ở những lăng tẩm - cổ thành như tiếng vọng thời gian đọng lại. Tôi đã coi những tháng ngày ở Huế như là một cuộc trải nghiệm đầy lo toan, vất vả, nhưng ngập tràn xúc cảm. Tôi dường như không bao giờ thấy chán, dù mỗi ngày nhìn thấy những bức tường thành xưa, mái nhà cổ và bất lực với nỗi niềm tiếc nuối khi nhiều giá trị văn hóa xưa cứ mờ nhạt dần theo sương gió thời gian. Đã bao lần tôi mơ màng thả hồn ở những con đường vắng đại nội, nơi gợi lên sự pha trộn của ký ức, cảm xúc, thời gian quá khứ và hiện tại. Thế rồi không biết từ khi nào tôi say mê trước những cái đẹp lắng đọng đó và tự nó thôi thúc tôi vẽ, vẽ mãi, tạo nên những tác phẩm của mình”.

Đặng Thị Phượng khẳng định: “Qua những tác phẩm trưng bày lần này, tôi hướng mình theo một lối vẽ không gần quá vào việc trực tiếp tả thực, mà cảm nhận hiện thực bằng ký ức, bằng những nỗi niềm suy tư với sự cảm nhận riêng của mình. Chính vì vậy, tranh của tôi có lẽ thiên về sự bứt phá về hình mảng, xô lệch về bố cục và đường nét, màu sắc đậm nhạt cũng khó mà tươi tắn. Thiết nghĩ, khi đã cảm trong lòng sâu nặng, day dứt và nuối tiếc, hoài nhớ thì người họa sĩ nào cũng muốn bộc bạch nội tâm của mình, với tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Tác phẩm "Vết tích 8"

Tôi không quá chú tâm vào sự cần thiết phải có nét độc đáo, khác biệt nào đó, cho dù điều đó là khá quan trọng và có ý nghĩa, nhưng nếu những tác phẩm của mình làm người xem nhận ra được sự níu kéo thời gian qua các hình thể, sắc âm khác nhau, thì đó cũng là một trong những điều mà tôi tạm hài lòng. Nói vậy, nghĩa là dường như tôi đã lạc vào chốn không gian biểu hiện qua cách tiếp cận và sáng tạo của mình. Ở đó, tôi mãi vẫn cảm thấy lòng trĩu nặng, man mác trước những dấu vết phế tích còn lại như ánh sáng hắt hiu của bóng thời gian nghiệt ngã trong hơi thở dài của tháng năm muôn thuở…”.

Cho nên, cũng giống như John Maynard Keynes: “Ideas shape the course of history” - Ý tưởng định hình dòng chảy lịch sử. Đặng Thị Phượng đã nhìn Huế theo ý tưởng của mình, tuy nhẹ nhàng, nữ tính, nhưng không câu nệ, rập khuôn quá khứ. Đó là một Huế được chắt lọc, được quy nạp để thành những di tích, những di sản chung, mà bất kỳ ai, dân tộc nào, nếu đã từng đi qua quá khứ, thì có thể nhận ra dễ dàng, có thể chia sẻ trong vô ngại.

Vết tích 34

Em rất thực, nắng thì mờ ảo/ Xin đừng lầm em với cố đô” - Thu Bồn. Cố đô đi vào lớp lang sơn mài, vừa hàn lâm, vừa phá cách, làm cho tranh Đặng Thị Phượng không thật nổi bật, nhưng cũng không hề nhạt nhòa, nên khó lầm với ai khác. Cố đô đã tái sinh, đã đồng hiện khá tự nhiên trong sơn mài của Đặng Thị Phượng.

Và nói như Thomas Paine: “Time makes more converts than reason” - Thời gian tạo ra nhiều biến đổi hơn là lý lẽ. Chính năm tháng, độ lùi, khoảng cách ý thức hệ, sự biến đổi và tinh thần sáng tạo đã làm cho tranh Đặng Thị Phượng có được sự tự tại, rung cảm trước phôi pha.

Phương Nam (t/h)