ĐỜI SỐNG Văn hóa - Giải trí

Triển lãm và ra mắt sách mỹ thuật Vết căn nguyên của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn

Kỳ Văn

Ngày 26/3, tại Mây Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, Q. Bình Thạnh, Điện Biện Phủ, TP HCM) đã diễn ra buổi lễ khai mạc và ra mắt sách mỹ thuật “Vết căn nguyên” của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn.

Sách mỹ thuật Vết căn nguyên

Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973. Sống và làm việc tại Đà Nẵng. Sau hai tập thơ tự do Men da (2009) Que than (2017), anh vừa xuất bản tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (tháng 3/2022). Cả thơ và hội họa, Huỳnh Lê Nhật Tấn đều đến bằng con đường tự học và khổ luyện trong nhiều năm liên tục.

Trích từ sách này ra 28 tranh để làm triển lãm cá nhân lần thứ hai Vết văn nguyên. Triển lãm cá nhân lần đầu với thể loại tranh thơ art graphic Dấu nối sinh tồn (2007) từng diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Huỳnh Lê Nhật Tấn cũng đã có các triển lãm nhóm như sắp đặt nghệ thuật thơ Trong bé nhỏ đến rộng lớn (2010) tại Văn Miếu, Hà Nội. Trình diễn và sắp đặt thơ Những nấc thang (2010) tại Festival Huế, Thừa Thiên - Huế. Triển lãm Mỹ Sơn - cảm xúc mới (2013) tại Mỹ Sơn, Quảng Nam…

Thế giới sáng tạo của Huỳnh Lê Nhật Tấn là hai chiều ngược của tâm thức, giữa thơ và nhạc. Thơ đến với anh từ khá sớm, trong mỗi bài, qua năm tháng, nó chuyển động dần dần từ các ý tưởng rõ ràng cho đến các bài thơ mang hơi hướng siêu thực.

Hội họa đến với anh muộn hơn, chừng 10 năm trở lại đây, nơi anh còn chú trọng nhiều đến việc diễn ý, gởi gắm các tình huống hiện sinh và phi lý thông qua các ký hiệu, biểu hiện. Đến những bức tranh gần đây, vẽ sau thời Covid-19, cũng đã bắt đầu có chất siêu thực.

Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn trao đổi với truyền thông về triển lãm

Dù khác nhau về hình thức biểu hiện, nhưng về tâm thức, đọc thơ của Huỳnh Lê Nhật Tấn làm gợi nhớ đến thi sĩ Nguyễn Lâm (1943-2005), người sớm đưa thơ đến ngưỡng của siêu thực, nơi ý tưởng, âm điệu và ngôn ngữ gần như nhất thể với nhau.

Còn xem tranh thì lại gợi nhớ đến họa sĩ Trần Trung Tín (1933-2008), ông vẽ các tình huống bị chèn ép đến túng quẫn, nhưng vẫn tìm ra một tín hiệu lạc quan nào đó.

Cả ba cùng mang lại cho đời một thông điệp, như hai câu thơ của Trần Trung Tín: “Chân lý không bị hành hình/ Cái đẹp không bị vùi chôn...”.

Một số bạn trẻ có mặt tại buổi triển lãm

Huỳnh Lê Nhật Tấn cho biết:Mùa Đông 2012, khởi đầu cho chủ đề Vết căn nguyên, tôi vẽ bức tranh mang tên Ngược chiều kéo dài miên man, từng mảng màu ẩm ướt. Ở tâm trạng sầu não, tôi thấy nỗi đau va chạm cuộc đời. Hai khuôn mặt đàn ông, đàn bà hoang dã, con số 6, xoay vòng hoán vị giống nhau, và chúng chỉ là một - biến đổi suy niệm nhiều khía cạnh, có thể tinh thần suy sụp - về tượng dạng thất bại đời sống xã hội biến đổi giới tính. Ý nghĩ càng dày đặc, nó thổi lên mặt phẳng, diễn bày hội hoạ ngữ ngôn. Đã có vài người chia sẻ. Họ xem, tán thưởng, thấu hiểu, chạm phải tượng hình trong tâm can, sự trùng hợp. Sau đó, tôi quyết thường xuyên khởi điểm vẽ theo sợi dây đó, đi bấp bênh bằng vết màu đen mang dấu chấm [x]. Nghĩa là phải thấu cảm vấn đề nào đó, rồi tìm ra dấu tích xoi mói như đoản khúc, ý thơ siêu hình vậy, đứng trên trục tung, trục hoành, đường thẳng cong vút in trong trí não”.

Căn nguyên bắt nguồn từ tâm điểm, xoay rộng gieo gì gặp đó, nghĩ gì thì vẽ đó, nghĩa là danh tính người vẽ hiện ra ý tưởng, bắt đầu cho tranh là vết, dấu chấm, nét chấm cọ, vũng sơn đổ tràn lên toan, khoảng trống nằm bất động, bản thảo phơi ý, phút giây chợt hiện... Tôi điên cuồng hình tượng người nông dân, đôi tay anh ta mang bầu hạt giống, khuôn mặt tươi nở nụ cười, gieo rắc mùa màng. Anh mong chờ hi vọng bội thu hay là thất bát. Nó đều bắt nguồn từ hạt giống và thời tiết là căn nguyên. Vậy, tôi vẽ cũng mang cốt ý đó, tâm tánh thể hiện từng bức họa, hàng loạt mệnh đề triết học, chúng là tiêu đề cho từng bức tranh ra đời, mang tên như bài thơ nhiều ẩn dụ: Nhìn sự rỗng không của thế gian, Lời độc địa, Hủy diệt từ lòng bàn tay đen, Những hạt giống nẩy mầm, Vòng roi ngựa, Máu đôi mắt bò tót, Ô vàng trên ngôi vị quyền lực, Vỏ bọc, Vũ trụ nguyên sơ, Trên bàn tiệc, Giọt linh hồn rơi vào đêm, Giao cảm sóng…”.

Và anh kết luận: “Nếu ai đó hỏi vì sao vẽ, phải bỏ mọi thứ để vẽ. Tôi sẽ nói rằng, vẽ để bắt đầu bằng một Vết, để đi tìm từ đâu có Vết đó. Vì nghệ thuật là phù du tan biến, vật chất trao đổi mọi thứ. Thì, nghệ thuật cũng vậy, phát minh bằng sáng tạo nuôi hạt giống tâm hồn. Nghệ thuật hội họa có mặt từ một đứa trẻ, vắng mặt nó nền văn minh nhân loại điêu tàn, hội họa vòng luân hồi tiếp nối”.

Tác phẩm Đêm rơi miền vũ trụ

Họa sĩ Phan Thiết nhận định: “Tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn mặc nhiên dẫn tôi đến sự liên tưởng sống động gần gũi, nhưng đầy khác biệt, với 3 danh họa - thuộc số những danh hoạ mà tôi yêu thích nhất - Edvard Munch, Vincent van Gogh và Trần Trung Tín... Xin lưu ý rằng tôi chỉ liên tưởng, chứ không hề so sánh.

Tranh của những con người này có ý nghĩa cao rộng hơn, có thông điệp nhân văn lớn lao hơn trong tồn tại hình thức tuyệt đẹp của nó. Rất hiếm hoi mới có những hoạ sĩ dẫn dắt chúng ta vào Bi kịch lạc quan, vào Bi quan và Tráng lệ như họ, bởi cái họ vẽ ra chính là Tâm thần của Hiện thực, của Thời đại, của Con người.... Họ vượt mọi biên giới rộng hẹp khác nhau để Hội hoạ của họ chính là Tâm thần của Thế giới và Nhân gian này...

Tôi xem, tôi ngẫm về tranh Nhật Tấn và thấy rất rõ ràng trong hình thức biểu đạt của nó một ngôn ngữ diễn biến khôn lường, bất ngờ và liên tục. Màu sắc của bố cục, của hình hài, của hình tượng thật quằn quại, thật mạnh mẽ, nhưng cũng thật tĩnh lặng, cô đơn cùng cực, yêu người đến tột cùng...

Và tôi thấy Tấn dường như không có kỹ năng nào đáng kể để bộc lộ vẻ đẹp, mà chỉ đau đáu tâm trạng suy tưởng để tuôn chảy ra, như gào khóc thành dòng lệ, như cắt cứa mình thành dòng máu. Tấn với hoài niệm, với hiện tại, và với cả tương lai… hình như không có bóng dáng của hy vọng...”.

Tác phẩm Nhìn sự trống không của thế gian

Còn nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng thì viết: “Trú xứ của Tấn, một cõi nghệ thuật ở ngoài nghệ thuật, ngoài biên địa hàn lâm, ngoài những tiêu chuẩn quy định của nghệ thuật. Và một khi những xung lực của trực giác được phóng thích, bằng những nguyên liệu tươi sống của loại nghệ thuật thô mộc (art brut) ùa ra, tươi rói, nguyên sơ và chân thực, tái hiện những tâm cảnh trong miền tàng thức, của kí ức, của ảo tượng và sự u uất của hiện hữu.

Trú xứ của Tấn hướng vào nội tại, biên cảnh giữa cái siêu thực tượng trưng với cái trừu biểu hiện. Trong những bức tâm cảnh này ẩn hiện những nhân hình, những hình động-thực-vật nhuốm màu xanh xám ảm đạm hiện xuất từ nỗi bàng hoàng hốt hoảng những đem đen, tất cả lẫn vào với màu trắng mù sương và là ngôn ngữ để diễn đạt cái vô ngôn.

Tác phẩm Những hạt giống nẩy mầm
Tác phẩm Phận người và chó

Trú xứ của Tấn, lặn dưới những trầm tích của tiềm thức để vớt lên những hiện thể mơ hồ, những motif, những biểu tượng cá nhân, với những ám ảnh, bất an, đôi khi lạ lẫm, kì dị. Cái cảm giác mà người xem đứng trước một trạng thái về cái lạ lẫm (uncanny) như Freud từng thăm dò, nhưng tình huống lạ lẫm này đồng thời cũng thấy quen thuộc, quen mà lạ, và gây cảm giác khó chịu, chẳng biết yêu hay ghét, mà biết đâu đã từ lâu chúng chôn giấu trong tâm linh, và những tổn thương đã khiến cái quen thuộc bị ghẻ lạnh đến thành xa lạ, và chúng không phải là không có mối liên hệ tới những chấn thương tâm lý cá nhân hoặc xã hội và lịch sử. Những gì chôn giấu nơi biên tế giờ lộ ra khỏi bóng tối u trầm và rồi hiển hiện để người xem buộc phải trực diện, không còn tránh né.

Bên cạnh chín loại trú xứ của loài hữu tình, trú xứ của Tấn là cõi nào, ở đó nó chờ đợi nối kết mọi kinh nghiệm cảm thông của tha nhân trong một nẻo quê chung bằng ngôn ngữ của nghệ thuật. Trong trú xứ ấy cái được chiêm ngắm và người chiêm ngắm trở thành một”.

PHƯƠNG NAM (T/H)