KINH TẾ DOANH NGHIỆP

Trưởng đại diện JETRO: Việt Nam là điểm đến không thể bỏ qua của doanh nghiệp Nhật Bản

Admin

Chia sẻ với TG&VN, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Nakajima Takeo nhận định, Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn riêng dù có thể chịu ảnh hưởng từ những sự cố ngoài dự kiến và bất ổn kinh tế thế giới trong ngắn hạn.

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Nakajima Takeo.

Khảo sát năm 2022 do JETRO tại Việt Nam thực hiện cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Trong khảo sát mới nhất của JETRO, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, họ sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong một đến hai năm tới, tăng 5 điểm so với mức 55% trong cuộc khảo sát trước đó vào năm 2021. Đó là mức cao nhất trong số các nước ASEAN.

Điều này có thể thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng gắn bó lâu dài với Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thể phục hồi lên mức 64% của thời điểm năm 2019, trước đại dịch Covid-19.

Về mặt tích cực, “bình thường mới” vẫn đang tiếp tục. Năm 2021, các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt đã khiến hoạt động kinh doanh bị hạn chế nghiêm trọng. So với năm 2021, ở thời điểm hiện tại, hoạt động của nhà máy đã trở lại bình thường, xuất nhập khẩu đã năng động hơn và thị trường tiêu thụ đã phục hồi.

Mặt khác, nền kinh tế chưa đạt đến mức trước đại dịch Covid-19. Thiếu lao động, chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá năng lượng cao hơn, lạm phát, biến động tiền tệ, chuỗi cung ứng gián đoạn và tình hình đại dịch ở Trung Quốc hạn chế đà tăng trưởng.

Ngoài ra, khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài không phản ánh đáng kể việc tăng lãi suất, lạm phát và sự suy giảm tại thị trường Mỹ vào nửa cuối năm 2022. Những vấn đề này vẫn là “cơn đau đầu” trong năm 2023.

Vậy dòng vốn của doanh nghiệp Nhật Bản liệu có tiếp tục “chảy” vào Việt Nam trong tương lai?

Các công ty đưa ra quyết định đầu tư dựa trên triển vọng dài hạn từ 5 đến 10 năm, chứ không phải ngắn hạn. Với dân số 99 triệu người, tầng lớp trung lưu đang phát triển và sự hiện diện nhiều công ty nước ngoài, Việt Nam hứa hẹn là thị trường hấp dẫn cho kinh doanh thương mại điện tử trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B) và giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C).

Quốc gia này cũng là một điểm đến lý tưởng để sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bên cạnh đó, tiền lương của Việt Nam ở mức tương đối thấp trong ASEAN, lao động dồi dào và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài.

Năm 2022, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam (đầu tư mới và mở rộng) đạt 4,56 tỷ USD, đứng thứ hai, sau Singapore (4,62 tỷ USD). Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực như năng lượng, bán lẻ, điện và điện tử.

Có thể khẳng định, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư không thể bỏ qua của các công ty Nhật Bản. Một cuộc khảo sát do JETRO thực hiện năm ngoái cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia đầu tư phổ biến, bên cạnh Mỹ.

Trong ngắn hạn, những sự cố ngoài dự kiến và bất ổn kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn có sức hấp dẫn riêng. Điều này được thể hiện qua việc các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng.

Ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam? Doanh nghiệp Nhật Bản tận dụng được những lợi thế nào khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam, thưa ông?

Theo khảo sát của JETRO, thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam bao gồm: tăng trưởng tốt và quy mô thị trường phù hợp; tình hình chính trị, xã hội ổn định; chi phí lao động thấp; điều kiện sống tuyệt vời. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, chất lượng công nhân viên chức tốt hơn các nước lân cận.

Khoảng một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hoạt động theo định hướng xuất khẩu và nửa còn lại hướng vào thị trường nội địa. Thế mạnh của Việt Nam là phù hợp với cả hai mục đích.

Song vẫn còn đó những điểm hạn chế về chi phí lao động và doanh thu, một số yếu kém về thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật chưa thực sự phát triển; hệ thống thuế chưa rõ ràng và các ngành công nghiệp hỗ trợ còn tương đối yếu.

Mặc dù vậy, thời gian qua, thủ tục hành chính và các vấn đề về hệ thống pháp luật đã được tăng cường giám sát. Quản lý minh bạch là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy, chúng tôi mong muốn cải thiện những điểm này càng sớm càng tốt.

Hướng đến mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản?

Việt Nam cần cải thiện năng suất và chuyển sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn.

Chi phí lao động của Việt Nam thấp hơn một chút so với châu Á, nhưng chi phí này đang tăng đáng kể. Theo quan sát của tôi, Việt Nam có thể cải thiện một số lĩnh vực như sau:

Thứ nhất, sản xuất hàng may mặc và giày dép thường gắn liền với chi phí sản xuất thấp. Việt Nam có thể gia tăng giá trị và đạt được “chức năng công nghiệp” mới như sản xuất vải, sợi. Những sản phẩm này có thể sản xuất số lượng nhỏ, chất lượng cao.

Thứ hai, Việt Nam tương đối giàu tài năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Chuyển đổi số sẽ là trụ cột mạnh mẽ, có thể nâng tầm nền kinh tế Việt Nam.

Mới đây, Fujikin, nhà sản xuất các loại van đặc biệt, đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Đà Nẵng. Cơ sở Fujikin sẽ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), robot, thiết bị y tế sáng tạo và công nghệ năng lượng hydro. Fujikin sẽ đầu tư 35 triệu USD trong dự án này.

Thứ ba, dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển, các trường đại học có thể đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của các quốc gia, thông qua các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

Nhà máy của một hãng xe Nhật Bản tại Việt Nam. (Nguồn: Nikkei Asia)

Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam để gia tăng sức cạnh tranh và trở nên hấp dẫn hơn?

Việt Nam chứng tỏ thế mạnh về gia công, lắp ráp trong các ngành nghề. Việt Nam cần thu hút đầu tư đa dạng và có chất lượng để phát triển hơn nữa.

Nhìn vào cơ cấu thương mại của Việt Nam, nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 50%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc chiếm gần 50%. Máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính, tai nghe, hàng may mặc, giày dép và các sản phẩm thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu. Dữ liệu cho thấy, Việt Nam cần đa dạng hóa hơn nữa trong giao dịch hàng hóa.

Đơn cử như mặt hàng Việt Nam có thể xuất khẩu là chất bán dẫn, ô tô, phụ tùng, máy móc công nghiệp, dược phẩm và nguyên vật liệu. Nhưng tôi cũng kỳ vọng vào nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tiếp đó, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam có thể phát huy thế mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật số. Dù có dân số gần 100 triệu người nhưng hệ thống phân phối và thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn còn tiềm năng.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số cần có sự thúc đẩy về chính sách.