Khỏe & Đẹp ĐỜI SỐNG

Vì sao bệnh bạch hầu lan rộng ở Tây Nguyên?

Admin

Theo lãnh đạo ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, bệnh bạch hầu xuất hiện ở những khu vực người dân, trẻ em không được tiêm vaccine phòng bệnh.

Ngày 6/7, ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên cho biết đã có 58 ca nhiễm bạch hầu. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 23 ca, Gia Lai 10 ca và Đắk Nông 25 ca. Hiện các địa phương trên đã cách ly hàng nghìn người để theo dõi, phòng bệnh.

Hàng chục ca nhiễm, hàng nghìn người bị cách ly

Bác sĩ Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết toàn tỉnh có 32 ca được cách ly phòng dịch đối với bệnh dịch bạch hầu. Trong đó, 10 ca dương tính với bệnh này (1 trường hợp đã tử vong).

Các bệnh nhân được chia làm 3 nơi theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai và Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa.

Theo ông Hải, ngành y tế đã lập chốt cách ly hơn 1.400 người của làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa nơi bùng phát bệnh.

“Ngành y tế đã cho người dân làng Bông Hiot uống thuốc phòng dịch. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiêu độc khử trùng tại làng này”, ông Hải nói.

Ngành y tế Đắk Nông khám sàng lọc cho người dân tại khu vực xuất hiện bệnh bạch hầu. Ảnh: T.H.

Còn ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết địa phương vừa phát hiện thêm 8 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), huyện Krông Nô và Đắk G’long.

Như vậy đến nay, tỉnh Đắk Nông có 25 ca nhiễm bệnh bạch hầu, trong đó 2 trường hợp tử vong. Địa phương này đã cách ly hơn 1.000 người để theo dõi, phòng dịch.

Ngành Y tế Đắk Nông đã tổ chức khử khuẩn, khám sàng lọc, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vaccine phòng, chống bạch hầu tại các ổ dịch và khu vực lân cận.

Dịch có sẵn trong cộng đồng

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết trong cộng đồng vẫn còn người lành mang trùng (người mang bệnh). Do đó, bệnh bạch hầu vẫn còn rải rác trong các cộng đồng.

Theo ông, các nguồn lây đã có sẵn trong cộng đồng. Đến đầu mùa mưa, thời tiết lạnh, ẩm thấp là môi trường rất tốt để bệnh bạch hầu phát triển.

“Những khu vực xuất hiện bệnh đa số là người đồng bào, không được tiêm vaccine. Có những trường hợp chúng tôi mang vaccine đến nơi, người dân không đưa con đến tiêm”, ông Hùng nêu thực tế và cho biết nếu có nguồn lực, địa phương sẽ làm tốt hơn nữa.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Mai Xuân Hải cho biết thêm bệnh bạch hầu xuất hiện ở vùng sâu vùng xa, nơi không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em. Đây là khu vực có hệ miễn dịch thấp.

“Người dân thiếu hiểu biết, ít quan tâm và ít có điều kiện tham gia chương trình tiêm phòng toàn dân. Trước việc dịch bệnh bùng phát, sở cũng đang tiến hành rà soát những trường hợp tiêm phòng chưa đủ liều”, ông Hải cho hay.

Ngành y tế Gia Lai cách ly hơn 1.400 người để theo dõi bệnh bạch hầu. Ảnh: T.H.

Phân tích yếu tố dịch tễ, Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên Viên Minh Chiến cho biết 92% những người bị bạch hầu đều là người dân thiểu số và không được tiêm chủng phòng bệnh. Đây sẽ là khu vực xuất hiện bạch hầu trước tiên.

“Thông thường vẫn sẽ có tỷ lệ nhất định không tiêm. Ngoài ra bản thân người tiêm không đáp ứng miễn dịch cùng với thời gian khi gặp được nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh”, ông Chiến giải thích.

Vị viện trưởng cho biết thêm để bệnh được phát hiện, chữa trị sớm thì cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn được nâng cao nhận thức đầy đủ về bệnh.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện. Song giải pháp bền vững và an toàn nhất, theo ông Chiến, vẫn phải là tiêm vaccine cho trẻ em.