TIÊU ĐIỂM ĐỜI SỐNG

Vì sao công tác cứu nạn vụ cháy quán karaoke An Phú rất khó khăn?

Kỳ Văn

Vụ cháy tại quán karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) bùng phát vào lúc 20h48 ngày 6/9/2022, đến 21h30 cùng ngày đã khống chế được ngọn lửa. Thế nhưng việc tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong quán phải mất hơn 20 giờ mới hoàn tất.

Sau khi sau tiếp nhận tin báo cháy, Công an thành phố Thuận An (Bình Dương) đã điều động 3 xe chữa cháy, 1 xe chở phương tiện cùng 22 CBCS và đề nghị chi viện 6 xe chữa cháy, 2 xe thang, 1 xe trạm bơm, 1 xe chở phương tiện cùng 44 CBCS của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương, Công an thành phố Thủ Dầu Một, Công an thành phố Dĩ An. Thời gian từ khi tiếp nhận tin báo đến khi có mặt tại hiện trường để chữa cháy là khoảng 10 phút.

Nhằm đảm bảo ANTT, bảo vệ hiện trường và điều tiết giao thông phục vụ cho việc chữa cháy Công an thành phố còn điều động khoảng 100 CBCS các Đội nghiệp vụ Công an thành phố, Công an phường An Phú, Đội xử lý sự cố giao thông, lực lượng 113-BCT, lực lượng dân quân phường An Phú.

Trung tá Bùi Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh Bình Dương cho biết, ngay sau khi tiếp cận hiện trường, bên cạnh công tác chữa cháy, lực lượng cứu nạn đã sử dụng thang để đưa 12 người phía trên sân thượng xuống đất an toàn. Một số người thoát hiểm ra cửa chính của quán karaoke cũng được hỗ trợ sơ cứu và đưa đến bệnh viện ngay sau đó.

Hiện trường quán karaoke An Phú. Ảnh chụp sáng 9/9, sau 4 ngày xảy ra vụ cháy.

Lúc này, khu vực bị cháy lan rộng ở khu vực tầng 2 và tầng 3 của cơ sở. Chất cháy chủ yếu là vải, mút xốp, gỗ...Tuy nhiên, ngọn lửa không bùng phát mà cháy âm ỉ lan trong các phòng karaoke từ vật liệu trên trần nhà. “Sức nóng từ khu vực này thoát ra là rất khủng khiếp, CBCS phải đeo mặt nạ phòng khí độc, phun nước làm mát liên tục nhưng vẫn không sao tiếp cận được bên trong. Không gian lúc này thì tối đen như mực, khói, khí độc dày đặc gần như không còn nhìn thấy gì, CBCS chỉ có thể mò mẫm bằng tay và liên lạc với nhau bằng dây”- Trung tá Hiếu cho biết.

Vì lửa vẫn cháy âm ỉ, khi phun nước vào trào sôi bốc khói như nồi áp suất nên trong đêm 6 và rạng sáng ngày 7/9 các CBCS vẫn chưa thể tiếp cận được khu vực nạn nhân bị mắc kẹt. Đến sáng ngày 7/9, khi lực lượng cứu hộ đục thủng một số lỗ vách tường, phá dỡ mái tôn để thoát khí thì công tác cứu nạn bắt đầu dễ dàng hơn. “Dẫu biết rằng với sức nóng ấy, với lượng khí độc ấy không ai có thể sống sót nổi nhưng chúng tôi vẫn hy vọng có một phép màu nào đó để còn có người còn sống mà đưa ra ngoài”- Thượng úy Lê Quang Tuấn (Tiểu đội trưởng, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Bình Dương), một trong những người tiên phong chữa cháy, cứu nạn đã trải lòng như vậy.

Các CBCS Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH kể lại quá trình cứu nạn

Thượng úy Tuấn tham gia chữa cháy, cứu nạn trong suốt gần 24h liền, từ khi cháy cho mãi đến lúc kết thúc tìm kiếm vào khoảng 21h ngày hôm sau. Tuấn đã cùng đồng đội đưa hơn 10 nạn nhân ra ngoài mà tất cả những nạn nhân tìm được đều phải mò mẫm phát hiện bằng tay vì mắt không thể nhìn thấy gì và cũng không thể tường tận nơi mình lần mò đến có an toàn hay không.

Cùng với Thượng úy Tuấn, Thượng sĩ Nguyễn Hữu Tình (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương) cũng tham gia chữa cháy, cứu nạn ngay từ đầu và đã đưa hơn 10 nạn nhân ra ngoài. Tình cho biết, với 4 năm tham gia công tác chữa cháy, cứu nạn, Tình đã nhiều lần phải đối diện hiểm nguy nhưng có lẽ đây là lần đặc biệt nhất trong đời vì số lượng nạn nhân quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của một người chiến sĩ chống "giặc lửa". “Nguy hiểm thì ai không sợ nhưng nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu và em luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt một cách an toàn nhất”- Thượng sĩ Nguyễn Hữu Tình tâm sự.

Qua công tác cứu nạn cho thấy, số nạn nhân bị thiệt mạng chủ yếu là bị ngạt khí, tập trung trong phòng karaoke và nhà vệ sinh, chỉ một số ít người chết trên hành lang lối đi giữa các phòng karaoke. Trong số 5 phòng karaoke có người chết thì chỉ có 2 phòng mở cửa, 3 phòng còn lại chốt cửa phía trên trong. Do vậy mà khả năng được đưa ra là do lửa bùng phát ở bên ngoài, các nạn nhân đã đóng cửa lại để tránh lửa, vào nhà vệ sinh để tìm nguồn nước và đã bị chết ngạt.

Các CBCS triển khai công tác cứu nạn

Ngày 8/9, trong buổi hợp báo thông báo về tình hình cháy quán karaoke An Phú, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cũng đã nêu một trong những nguyên nhân khiến nhiều người chết trong vụ cháy này. Đó là khi có nhân viên báo cháy, khách không theo hướng dẫn của nhân viên để thoát hiểm mà vẫn tiếp tục hát...

Qua điều tra ban đầu từ lời khai của những người sống sót và qua trích xuất hình ảnh từ camera cho thấy, khi nhân viên báo động cháy là “thời điểm vàng” để các nạn nhân thoát hiểm...

Liên quan đến vụ cháy quán karaoke, sáng ngày 9/9, theo ghi nhận của PV, hiện trường vẫn đang được phong tỏa để phục vụ cho việc kiểm đếm, thống kê thiệt hại về tài sản do vụ cháy gây ra. Công tác khám nghiệm hiện trường đã hoàn tất, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án và đang tiến hành điều tra làm rõ. Công tác xác định danh tính của các nạn nhân còn lại cũng được gấp rút hoàn tất để bàn giao cho người nhà an táng.