Ngày 25-11, cả giá vàng trong nước và thế giới cùng lao dốc nhưng vàng SJC có lúc cao hơn thế giới đến 4,3 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để phù hợp với tình hình thực tế; NHNN xem xét có thể sản xuất thêm một lượng vàng miếng để tăng cung cho thị trường…
Vàng thế giới quy đổi khoảng 50,7 triệu đồng/lượng
Sau nhiều ngày giảm mạnh, lúc 16 giờ ngày 25-11, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.810 USD/ounce, mất thêm khoảng 20 USD/ounce so với phiên trước. Chỉ trong 3 ngày qua, giá vàng thế giới đã "bốc hơi" tới 60 USD/ounce, tương đương mức giảm khoảng 1,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết tương đương 50,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với thế giới .Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, giá vàng trong nước được điều chỉnh với tốc độ chậm hơn, khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng nội - ngoại giãn rộng. Lúc 16 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp (DN) giao dịch phổ biến quanh 54,05 triệu đồng/lượng mua vào và 54,55 triệu đồng/lượng bán ra, giảm khoảng 900.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch ở mức thấp hơn: 52,9 triệu đồng/lượng mua vào và 53,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Chiều 25-11, giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng SJC gần 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng trang sức, vàng nhẫn 24K 2,8 triệu đồng/lượng. Nếu trước đây, những thời điểm giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, vàng SJC cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng nhưng vàng trang sức 24K cũng chỉ ngang bằng hoặc cao hơn thế giới vài trăm ngàn đồng/lượng.
Do mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, một số chuyên gia vàng nhìn nhận sẽ khó tránh nguy cơ buôn lậu vàng từ biên giới. Cách đây không lâu, Công an tỉnh An Giang đã bắt vụ buôn lậu hơn 50 kg vàng vận chuyển qua biên giới.
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải phân tích vàng từ xưa đến nay là một kênh tiết kiệm, bảo toàn tài sản của người dân, đặc biệt trong điều kiện kinh tế còn khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay. Do đó, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới quá nhiều, từ 3-4 triệu đồng/lượng, sẽ khó tránh nguy cơ buôn lậu vàng bởi nguyên tắc "nước chảy đến chỗ trũng".
"Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu vàng trang sức tăng cao hơn sẽ càng kích thích các đối tượng buôn lậu vàng để kiếm lời, khi vàng trang sức 24K các loại đang cao hơn giá thế giới gần 3 triệu đồng/lượng" - ông Hải cảnh báo.
Kiến nghị sớm tăng cung vàng cho thị trường
Một diễn biến lạ trên thị trường hiện nay là dù giá vàng SJC đang cao hơn thế giới khá nhiều nhưng nhu cầu trên thị trường không tăng đột biến. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết ngay những thời điểm giá vàng "nóng, sốt" cũng không xuất hiện tình trạng xếp hàng mua, đầu cơ vàng.
Biên độ giá mua - bán vàng SJC hiện được các DN niêm yết dưới 500.000 đồng/lượng phản ánh động thái của các DN là sẵn sàng "mua cao - bán cao". Đại diện một DN vàng tại TP HCM lý giải do từ nhiều năm nay, các DN không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng nên nguồn cung vàng SJC trên thị trường chủ yếu mua đi bán lại, mua giá nào bán giá đó nên muốn điều chỉnh giảm theo giá thế giới cũng rất khó.
Từ khi có Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng (hiệu lực từ năm 2012), thị trường này tự điều tiết cung - cầu trong định hướng của chính sách nên nhà nước không phải chi ngoại tệ nhập khẩu vàng can thiệp thị trường như trước đó.
Theo VGTA, việc điều hành thị trường vàng hợp lý và rất hiệu quả của NHNN trong nhiều năm qua đã góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối của nhà nước. Đến nay, sau gần 10 năm, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định và một số luật về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành theo hướng hội nhập nên nhiều quy định ở Nghị định 24 đã không còn phù hợp với thực tế.
Do đó, VGTA đã có văn bản gửi NHNN kiến nghị một số giải pháp về quản lý thị trường vàng.
Ở những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới vài triệu đồng/lượng, nhiều DN đã phải ghi giấy nợ vàng cho khách hàng vì khan hiếm nguồn cung. "Có tình trạng trên do từ khi Nghị định 24 được ban hành đến nay, NHNN chưa cấp cho bất kỳ DN nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu. NHNN cũng ngừng tổ chức đấu thầu vàng từ cuối năm 2013 đến nay. Hiện nguồn cung vàng miếng trên thị trường đang có tín hiệu rất khan hiếm, nhất là khi giá vàng quốc tế biến động mạnh thời gian qua" - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, phân tích.
Do đó, VGTA đề nghị NHNN xem xét có thể sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá thế giới tăng - giảm mạnh như thời gian qua. Đồng thời, Thống đốc NHNN có thể xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nhằm khuyến khích DN kinh doanh vàng, đầu tư đẩy mạnh mua bán vàng trang sức…
Đề xuất lập Sở Giao dịch vàng quốc gia
Một trong những giải pháp được các DN, chuyên gia và VGTA kiến nghị nhằm giải quyết những bất cập trên thị trường vàng trong nước hiện nay là sớm thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia.
Bởi theo các chuyên gia, những sàn vàng trước đây tiềm ẩn rủi ro và gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư là do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với loại hình hoạt động mới. Các sàn vàng lúc đó "mạnh ai nấy làm", chứ chưa giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch vàng như các quốc gia. Do đó, tình trạng thao túng, làm giá diễn ra phổ biến ngoài sự giám sát, quản lý của cơ quan quản lý.
Chủ tịch VGTA Nguyễn Thành Long nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất của Sở Giao dịch vàng là tạo sự liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới để bảo đảm không tạo ra chênh lệch lớn về giá vàng như hiện nay, có tính thanh khoản cao và góp phần đẩy lùi hoạt động xuất nhập khẩu vàng lậu.
Giao dịch vàng tập trung tại Sở Giao dịch vàng là xu thế tất yếu và phổ biến trên thế giới. Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng nên đã đến lúc cơ quan quản lý xem xét sớm vấn đề này.
Các chuyên gia cũng kiến nghị để hoạt động của Sở Giao dịch vàng phát huy tác dụng, không bị lợi dụng thì cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng; hạn mức giao dịch, tỉ lệ ký gửi, quy trình thanh toán bù trừ; điều kiện thành viên... Sở Giao dịch vàng ra đời không chỉ góp phần giảm giao dịch vàng vật chất, huy động được nguồn vàng trong dân, tăng dự trữ vàng quốc gia, giảm thiểu tình trạng thanh toán mua bán vàng bằng tiền mặt... Quan trọng là sẽ loại bỏ những sàn vàng chui hoạt động bất hợp pháp.