Tại hội nghị trực tuyến "Khám phá cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam" ngày 2/6, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Còn Việt Nam là trụ cột chính quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Khu vực Đông Bắc Ấn Độ cũng là điểm khởi đầu của chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Nhờ đó, khu vực này nhận được nhiều chính sách ưu đãi nhất của Chính phủ Ấn Độ với hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện. Nơi đây có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về ẩm thực, phong tục, tập quán và văn hóa.
Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Việt Nam và Ấn Độ đang có sự tăng trưởng trong thương mại nông - lâm - thủy sản. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các sản phẩm như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, cao su, gỗ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre. Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm như thủy sản, rau quả, lúa mì, ngô, dầu mỡ động thực vật và cao su. Trong thương mại nông - lâm - thủy sản, Việt Nam hiện đang nhập siêu từ Ấn Độ, với tổng giá trị nhập siêu 473,8 triệu USD năm 2021 và gần 687,8 triệu USD năm 2022.
Đề cập đến thế mạnh của vùng Đông Bắc, đại diện một số đơn vị thuộc khu vực này cho biết, Đông Bắc có trên 60% diện tích được bao phủ bởi rừng, có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tre trúc, thủ công mỹ nghệ. Khu vực này có 17 cảng hàng không, hệ thống đường sông, biển thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Nơi đây có nhiều lợi thế về nhân khẩu học, nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức, trình độ và kỹ năng làm việc tốt. Đây là động lực quan trọng cho sự phát triển hợp tác kinh tế giữa khu vực Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam.
Theo đại diện một số đơn vị thuộc vùng Đông Bắc Ấn Độ, hai bên có cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Các đại biểu đề xuất hai bên có thể hợp tác, trao đổi về nhân lực, thành lập các đơn vị nhuộm, hoàn thiện trung tâm nguyên liệu thô, tập trung vào lĩnh vực trang sức, nghề thủ công và dệt ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ. Ngoài ra, chi phí vận tải logistic tại Ấn Độ đang giảm, do đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này.
Trao đổi về tiềm năng kinh tế của tỉnh Phú Thọ, ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, với diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, Phú Thọ đang tận dụng lợi thế này để phát triển công nghiệp chế biến chè. Sản phẩm chè của Phú Thọ, bao gồm chè xanh và chè đen, đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia.
Qua đây, ông Phương mong muốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm và nghiên cứu về việc hợp tác đầu tư sản xuất chè, chuyển giao công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị sản phẩm chè. Đặc biệt, ông hy vọng trong tương lai gần sẽ có kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm chè của Phú Thọ.
Theo bà Nguyễn Thị Tòng - Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuật, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có gần 6.000 làng nghề và làng có nghề, sản xuất hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau. Nhiều sản phẩm trong số này có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm. Các làng nghề cũng đã cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh và áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và mở rộng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Đánh giá chung về tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam có những nét tương đồng về địa lý, điều kiện khí hậu, văn hóa của vùng. Do đó hai bên có thể tìm hiểu sâu hơn các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, du lịch và trao đổi văn hóa.