Bão tan, mưa tạnh, lũ đã rút, cuộc sống của người dân xóm Núi, thôn Nước Lầy bắt đầu ổn định trở lại. Trong câu chuyện của mình, bà con nhớ mãi về hành động dũng cảm, hết mình vì dân của các lực lượng cứu hộ với lòng khâm phục, biết ơn. Họ coi cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ và các lực lượng công an, dân quân là ân nhân...
Dây thừng giúp đồng bào vượt lũ
Xóm Núi chỉ có 8 hộ dân với 35 nhân khẩu gần như sống biệt lập. Ai muốn đến được vùng đất này phải băng qua nhiều đồi núi, sông suối. Vì cuộc mưu sinh, những thanh niên trẻ khỏe đi làm ăn tứ xứ nên trong xóm chỉ còn lại 18 người già, trẻ em và phụ nữ.
Đồng chí Trương Anh Phát, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ba Ngạc kể: "Sáng hôm ấy, lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn. Do khu vực nhà dân ở thôn Nước Lầy nằm sát chân núi, nếu núi lở sẽ bị vùi lấp, trong khi nước sông Le và suối Nước Lầy chảy xiết. Tình thế đó gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai các phương án ứng cứu.
Được Thượng tá Đinh Hiền Lương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ba Tơ động viên và giao nhiệm vụ, tôi hội ý nhanh với đồng chí Phạm Văn Thách, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ba Ngạc: Lũ ngày càng chảy xiết, nếu chậm trễ sẽ gây nguy hiểm cho các hộ dân. Vì thế, phải khẩn trương, nghĩ cách tiếp cận nhanh nhất! Sau khi có người đề xuất phương án dùng phao bơi qua sông, nhưng vì nước chảy xiết không thể thực hiện được, cuối cùng, chúng tôi chọn phương án sử dụng dây thừng làm điểm tựa để "dìu" và cõng từng người dân qua suối...".
Đến khoảng hơn 10 giờ sáng, mưa trên thượng nguồn vẫn xối xả, nước dâng cao, tất cả ngả đường về thôn Nước Lầy đều bị chia cắt. Thượng tá Đinh Hiền Lương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ba Tơ động viên các lực lượng giải cứu dân: "Các đồng chí cố lên! Bà con đang nguy ngập".
Trung tá Phạm Văn Việt, Tiểu đoàn trưởng khung thường trực Ban CHQS huyện Ba Tơ dùng loa tay gọi lớn: "Có mấy người mắc kẹt trong đó?". Tiếng người đàn ông hốt hoảng: "18 người! Nguy mất các anh ơi!".
Ngay lập tức, Đại úy Lê Quang Thái, Trợ lý dân quân cùng đồng chí Trương Anh Phát và Phạm Văn Thách (Ban CHQS huyện Ba Tơ) liền tung dây, rồi rẽ nước bơi qua bờ bên kia suối Nước Lầy. Sau khi buộc chặt dây thừng vào gốc cây, các anh lần lượt đưa từng người qua dòng nước bạc hung dữ. Người đầu tiên được các lực lượng cứu hộ là cụ bà Phạm Thị Ren. Tiếp đến là các ông Phạm Văn On, Phạm Văn Đeo (dân tộc H'rê).
Chưa hết bàng hoàng, bà Phạm Thị Ren ôm đứa cháu ngoại vào lòng, giọng run run: "Má sống rồi con ơi!". Khi tất cả thành viên trong nhà đã sang bờ bên kia, ông Phạm Văn On cảm động nói: "Các con đi làm ăn xa, ai ngờ lũ lên nhanh quá. Nếu không có các chú bộ đội, dân quân thì gia đình tui nguy mất!".
Nhờ có sự hiệp đồng chặt chẽ nên các lực lượng đã nhanh chóng tiếp cận bà con, kịp thời cứu 18 người dân đưa đến nơi an toàn.
"Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi cũng gần như kiệt sức. Mọi người vừa đói vừa rét, nhưng ai nấy đều phấn khởi vì mình đã làm tròn trách nhiệm với nhân dân...", Trung tá Phạm Văn Việt chia sẻ.
Giúp dân là mệnh lệnh trái tim
Chúng tôi có mặt tại xã Ba Ngạc vào lúc cơn mưa chiều thêm nặng hạt, gió núi rít từng cơn. Tại hiện trường, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ trang phục đẫm nước, làn da tím tái nhưng ai nấy đều bất chấp mưa gió, tất cả tập trung vào nhiệm vụ giúp dân là trên hết.
Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, áo quần sũng nước đến từng bộ phận động viên các lực lượng giúp dân. Trao đổi với chúng tôi, giọng ông thể hiện sự phấn khởi: "Qua cơn hoạn nạn mới thấy rõ thêm tinh thần và trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ đối với nhân dân!".
Liên tục trong những ngày này có mưa to đến rất to. Các xã miền núi trên địa bàn huyện Ba Tơ đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái của bà con bị hư hại. Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ cùng các lực lượng lại khẩn trương tỏa về mọi hướng, tiếp tục xả thân giúp dân khắc phục hậu quả...
Đơn vị đã cử 60 lượt cán bộ, chiến sĩ bám hiện trường sạt lở, cùng các lực lượng giải phóng mặt đường, giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, từng bước giúp bà con sớm ổn định đời sống. Để có được những việc làm tình nghĩa ấy, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã thức trắng đêm, chạy đua với thời gian. Nhiều chiến sĩ bị sốt cao, mắt thâm quầng nhưng vẫn bám dân.
Thượng tá Đinh Hiền Lương có vợ là người khuyết tật, cứ trái gió trở trời lại đau nhức, nhà cửa bị mưa bão tàn phá nhưng vẫn "phó thác" cho bà xã để đến đơn vị chỉ huy bộ đội giúp dân. Gần một tuần nay, anh thường xuyên lăn lộn tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy bộ đội băng rừng, vượt suối cứu dân. Sau lũ, các anh lại sát cánh cùng tất cả lực lượng giúp dân dựng nhà, vận chuyển lương thực, thực phẩm về nơi an toàn. Đại úy Lê Quang Thái mấy ngày nay nén cơn đau dạ dày, "đội mưa" lên đây trực tiếp men theo dây thừng cõng dân qua suối; phối hợp cùng y tế xã kịp thời khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con...
Chia tay Ba Ngạc trong chiều muộn. Mưa vẫn rơi, gió vẫn thốc từng cơn, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ cùng các lực lượng công an, dân quân trên địa bàn huyện Ba Tơ vẫn không quản đói rét, dầm mình trong mưa lũ, quên mình vì nhân dân. Với họ, cứu giúp dân là mệnh lệnh trái tim...
Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng của bài báo thì Thượng tá Lương Đình Chung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi thông tin, trong những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi luôn sát cánh cùng các lực lượng dốc sức giúp dân cứu hộ, cứu nạn. Mưa đã ngưng, lũ đã rút nhưng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang mạnh dần lên và hướng vào đất liền. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS, Bộ đội Biên phòng tỉnh... đang chuẩn bị sẵn dụng cụ, phương tiện, lương thực, thực phẩm, thuốc men... sẵn sàng có lệnh là lên đường giúp dân...
* Bài có sự biên tập ở title