DOANH NGHIỆP TIN TỨC

Xanh hóa hoạt động logistics là yêu cầu bắt buộc để phát triển bền vững

Admin

Với xu hướng logistics xanh hiện nay, doanh nghiệp (DN) nào quan tâm thì thực hiện hoặc triển khai để đưa ra minh chứng với khách hàng rằng DN đã thích ứng với thời cuộc. Nhưng trong tương lai gần, logistics xanh sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, không còn là chuyện thích hay không thích làm.

Xu hướng logistics xanh

Thông tin được ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ tại diễn đàn hoàn tất đơn hàng 2023 với chủ đề "Hướng tới thương mại điện tử xanh" mới đây.

Theo ông Hải, hiện hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng gắn với môi trường và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, ngành logistics có xu hướng cải cách từ quy mô các loại hình vận tải, kho thông minh và bền vững, các dịch vụ logistics gắn với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Báo cáo logistics Việt Nam 2022 định nghĩa logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Mục tiêu trước hết mà chúng ta đang hướng đến là giảm phát thải. Trong lĩnh vực logistics, phát thải sẽ có ở một số khâu, gồm: vận tải, kho bãi, đóng gói, xử lý chất thải, tái tạo và phục hồi môi trường.

Đánh giá thực trạng phát triển logistics với vấn đề môi trường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, cơ cấu vận tải chưa cân đối, thiếu bền vững. Trong đó, tỷ trọng loại hình vận tải đường bộ còn chiếm tỷ trọng cao hơn đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Trong khi đó, lượng phát thải khí nhà kính vận tải đường bộ cao gấp 21,95 lần so với vận tải đường hàng không, gấp 19,94 lần so với đường biển và gấp tới 245,49 lần so với vận tải đường sắt.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm. Đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới.

Dự báo phát thải CO2 của các ngành vận tải sẽ đạt 60 triệu tấn vào năm 2024, 90 triệu tấn vào năm 2030. Lượng phát thải sẽ tiếp tục gia tăng theo tốc độ phát triển của nền kinh tế và hoạt động logistics.

Nhiều thách thức

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, việc triển khai logistics xanh, logistics bảo vệ môi trường đối diện với một số khó khăn, thách thức. Trước hết là vấn đề nhận thức từ cơ quan quản lý Nhà nước cho đến các tổ chức xã hội, cộng đồng DN và người tiêu dùng. Việc nâng cao nhận thức về logistics xanh là hết sức cần thiết.

Với xu hướng logistics xanh hiện nay, có thể DN nào quan tâm thì triển khai hoặc làm để đưa ra minh chứng với khách hàng rằng DN đã thích ứng với thời cuộc.

"Nhưng trong tương lai gần thì logistics sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, không còn là chuyện thích hay không thích làm. Do đó, nếu DN nắm bắt được yêu cầu này thì cần có sự đầu tư cho chuyển đổi ngay từ bây giờ để 1, 2 năm nữa DN không bị động. Nhận thức có vai trò quan trọng trong việc giúp DN chủ động chuyển đổi", ông Hải nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo ông Hải, trên con đường thực hiện logistics xanh, DN đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, có thể kể đến nhận thức về logistics chưa rõ ràng, chưa đủ động lực để chuyển đổi.

Việc triển khai logistics xanh có nhiều thách thức nhưng đây là xu hướng bắt buộc trong tương lai.

Khách hàng chưa sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ logistics bền vững hơn, là rào cản đối với các sáng kiến môi trường lâu dài.

Các gánh nặng tài chính, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, có nhận thức tốt, thấy được sự cần thiết của logistics xanh nhưng do quy mô tài chính nhỏ bé nên chưa thể đầu tư phù hợp cho vấn đề này, cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sự đa dạng về quy định môi trường giữa các quốc gia và bên trong mỗi quốc gia cũng là thách thức với DN để theo đuổi con đường logistics xanh. Để đáp ứng được hết các quy định của các nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay là thách thức không nhỏ trong việc thực hiện các hành động xanh.

Doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi

Trong bối cảnh hướng đến logistics xanh, các DN cần có các giải pháp "xanh". Trước hết, trong ngành vận tải, dần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng hóa thạch. Cố gắng tối ưu hóa hoạt động vận tải và giảm lượng xe chạy rỗng. Đối với các hoạt động logistics tĩnh, gồm kho và các tòa nhà, cần thiết kế các tòa nhà, trung tâm logistics thân thiện với môi trường thông qua hệ thống thông gió, ánh sáng phù hợp...

Theo ông Hải, hiện nay đã có một số DN đã rất chủ động trong vấn đề này nhưng vẫn chủ yếu nằm ở các DN FDI. Chẳng hạn như mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê của Nestle. Công ty này đã sử dụng năng lượng sinh khối để giảm phát thải trong quá trình sản xuất cũng như trong cả chuỗi cung ứng. Các nhà máy được lắp đặt pin mặt trời trong nhà kho nhằm tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng.

Với việc theo con đường logistics xanh, các DN đã có những chiến lược riêng để giảm phát thải ra môi trường, tích cực sử dụng năng lượng tái tạo để giảm tỷ lệ phát thải carbon. Với một số DN vận tải, khi ra mắt những con tàu mới, DN đều công bố lượng nhiên liệu có thể tiết kiệm được cũng như tỷ lệ nhiên liệu sạch mà phương tiện sử dụng để so sánh với những phương tiện khác...

Với kế hoạch hành động xanh đến năm 2030 của Việt Nam, ông Hải khuyến nghị các DN có thể chủ động chuyển đổi sang phương tiện vận tải và nhà kho sử dụng năng lượng sạch, năng lượng thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, các DN cần tối ưu hóa hoạt động vận tải và kho bãi, giảm lưu thông vô ích cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động logistics...

"Ngành logistics đã đồng hành và hướng đến mục tiêu phát triển xanh. Trong quá trình hoạt động của các DN TMĐT, hi vọng các DN logistics cùng song hành tích cực hơn để tạo nên chuỗi cung ứng xanh trong giao dịch TMĐT, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế nước nhà", ông Hải nói.