KINH TẾ Thị trường

Xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu tăng trưởng mạnh

Tuyết Trang

Xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh, là điểm sáng giúp tỉnh Bạc Liêu lọt vào tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.

Ngày 31/5, Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tiếp tục đà phục hồi những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh, là điểm sáng giúp tỉnh lọt vào tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.

Cụ thể, báo Đại Đoàn Kết dẫn số liệu từ Cục thống kê Bạc Liêu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước đạt hơn 370 triệu USD, bằng 31,98% kế hoạch và tăng 9,60% so với cùng kỳ. Trong đó tôm đông lạnh ước đạt 353,79 triệu USD, bằng 31,31% kế hoạch, tăng 6,93% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), quý 1 năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 686 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ cho thấy sức mua từ các thị trường đang phục hồi trở lại. Trong đó, Bạc Liêu vinh dự vào Top 5 địa phương sản xuất tôm chân trắng và tôm sú lớn nhất Việt Nam gồm Cà Mau dẫn đầu kế đến Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang.

Kết quả khả quan này cho thấy vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân một lần nữa được phát huy một cách tối đa.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn thách thức do phải cạnh tranh về nguồn nguyên liệu, giá bán và thị trường với những nước sản xuất tôm lớn. Thêm vào đó, xung đột Nga – Ukraine, xung đột ở Trung Đông có nguy cơ làm xáo trộn nền thương mại toàn cầu (trong đó có ngành thủy sản), và một trong những hệ lụy là chi phí vận tải biển tăng cao (bắt đầu từ tháng 1/2024, chủ yếu là cước tàu đi EU, Mỹ và Canada)...

Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods F89 (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai) là một trong những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn của tỉnh Bạc Liêu. Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty chia sẻ với báo Tin tức, trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Công ty đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, EU.

Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng nguồn nguyên liệu tôm đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng với tính cạnh tranh cao, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn khá khắt khe khi xuất vào thị trường Mỹ và EU. Cùng với đó, quan tâm nghiên cứu tiếp cận mở rộng thị trường sang các nước khác, nhất là thị trường châu Á và Mỹ Latinh…

Doanh nghiệp cũng cũng đẩy mạnh hợp tác với nông dân, hợp tác xã thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đồng thời giúp đỡ nông dân về kỹ thuật nuôi trồng, chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, kiểm soát dịch bệnh và đặc biệt là kỹ thuật bảo quản nguyên liệu sau khi thu hoạch.

Với giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Bạc Liêu. Ảnh minh họa: Trọng Linh/báo Nông nghiệp Việt Nam.

Theo báo Tin tức, tỉnh Bạc Liêu hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất chế biến thiết kế gần 300.000 tấn/năm. Theo đánh giá của Sở Công Thương Bạc Liêu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã thực hiện các giải pháp linh hoạt để thích ứng kịp thời với diễn biến của tình hình tiêu thụ thị trường thế giới. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường "khó tính" như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo về tình hình xuất khẩu hàng hóa đến các doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như xuất khẩu hàng hóa.

Cùng với đó, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, đa dạng hóa đối tác và nguồn hàng, hạn chế phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một số thị trường; giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống: Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa và quảng bá sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu.

Với giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Bạc Liêu. Tỉnh có trên 140.000 ha nuôi trồng thủy sản với các mô hình như: siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; thâm canh, bán thâm canh; tôm quảng canh cải tiến kết hợp; tôm - rừng; tôm - lúa. Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với các mô hình nuôi tôm khác, tạo ra sản lượng tôm nguyên liệu chiếm 1/3 tổng sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu hiện có 25 công ty, đơn vị và gần 1.000 hộ gia đình đang áp dụng mô hình sản xuất này.

Để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao và đáp ứng nguồn nguyên liệu trên địa bàn, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm; áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào và với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết giá trị mang lại hiệu quả kinh tế và nhân rộng các hình thức liên kết này góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả, bền vững.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa... tiến tới xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Minh Hoa (t/h)