Chính sách tiền tệ
Nhận xét về mối tương quan giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2025, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế biến động khó lường, không thể cùng lúc cả hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều mở rộng. Công tác điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát”.
Theo đó, đối với chính sách tiền tệ, nếu đánh giá thấp rủi ro lạm phát, các giải pháp đưa ra không thể có tác dụng ngay vì cần độ trễ, lúc đó sẽ tác động tiêu cực lên các hoạt động kinh tế.
“Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Quốc hội, Chính phủ đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, đảm bảo giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), từ cuối quý III/2024, Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính huy động một lượng ngoại tệ lớn lên đến 5,1 tỷ USD để trả nợ nước ngoài, cũng như thanh toán các khoản trái phiếu chính phủ đến hạn, đã khiến thị trường ngoại tệ trong nước căng thẳng vào cuối năm.
Năm 2025, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giảm lãi suất 1-2 lần, tương đương giảm 0,5%. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng từng bước cắt giảm lãi suất. Giới phân tích đánh giá khi chênh lệch lãi suất được thu hẹp và bối cảnh thay đổi so với năm 2022 khi Fed bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất sẽ giúp tỷ giá dịu lại. Từ đó, áp lực lên chính sách tiền tệ được giãn ra.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại rằng năm 2025 thặng dư thương mại hàng hóa có thể tăng trưởng chậm lại do Việt Nam phải đối diện áp lực giảm thâm hụt thương mại quốc tế, đặc biệt với Mỹ.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết Việt Nam hiện đang đứng thứ ba trong nhóm quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Do đó, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ gây sức ép để thu hẹp thặng dư thương mại, nếu không, Việt Nam sẽ bị dán nhãn thao túng tiền tệ.
Đáng chú ý, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định trong những năm tới xu hướng bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2024, Việt Nam đã trải qua 6 vụ điều tra chống trợ cấp và 270 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường xuất khẩu.
Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi được bù đắp từ dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) duy trì tăng trưởng tốt, thặng dư xuất nhập khẩu vẫn có nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Điều này sẽ gây áp lực trực tiếp lên dòng tiền USD thanh toán và kéo theo căng thẳng tỷ giá.
Ngoài ra, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đóng góp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế lớn trong năm 2025.
Đầu tư tư nhân
Nếu 2025 đang được đánh giá là “năm tăng tốc, bứt phá” để hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2030 thì đầu tư tư nhân chính là động lực “tăng tốc, bức phá” cho năm 2025.
Trước giai đoạn dịch Covid-19, đầu tư tư nhân luôn giữ vai trò chủ đạo tới tốc độ tăng trưởng hàng năm hai con số. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân đã giảm đáng kể, với hai năm gần nhất đều ở mức khá thấp 2,7% trong năm 2023 và 7,7% trong năm 2024. Thay vào đó, đầu tư từ nguồn vốn FDI duy trì đà tăng trưởng và trở thành động lực cho nền kinh tế như đã nói ở trên.
Niềm tin vào cơ hội kinh doanh thấp khiến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của khối tư nhân giảm tốc, điều này đến lượt nó lại khiến thu nhập dân cư giảm và kéo theo sự sụt giảm tiêu dùng và nhu cầu hàng hóa, cuối cùng dẫn đến cơ hội kinh doanh thu hẹp.
Thực tế, trong năm 2024, các chính sách kích thích tiêu dùng đã được triển khai khá nhiều, bao gồm đợt tăng lương cơ sở cũng như giảm thuế giá trị gia tăng, thuế phí trước bạ cho ô tô. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội đề ra (6,5-7% và hướng đến 7-7,5%), hoặc cao hơn là mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ (tối thiểu 8%), việc kích thích lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ là điểm then chốt.
Để làm được điều này, điểm quan trọng đầu tiên là Chính phủ cần tiếp tục duy trì được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và tỷ giá. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thể chế, khắc phục điểm nghẽn về pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cơ hội từ làn sóng chuyển dịch của các công ty công nghệ có thể sẽ là yếu tố kích hoạt đầu tư tư nhân mới vào lĩnh vực công nghệ nói riêng cũng như toàn nền kinh tế nói chung. Trong những tháng cuối năm 2024, Chính phủ đã thông qua Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025 với kỳ vọng sẽ tạo ra được những định hướng bản lề cho làn sóng công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Đây đều là những tín hiệu tích cực giúp tăng cường khả năng đón làn sóng mới của doanh nghiệp trong nước.
PV (t/h)