Chiều 15/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu giải trình. Ảnh quochoi.vn.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, về hướng tuyến, dự án đã nghiên cứu và lựa chọn theo nguyên tắc tuyến ngắn nhất, thẳng nhất, giảm các công trình trên tuyến, giảm các khối lượng trên tuyến để cân đối được khối lượng đào cũng như khối lượng đắp. Bộ trưởng cũng khẳng định, các công trình trên tuyến được thiết kế để bảo đảm được khả năng chịu lực, đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế của quốc gia cũng như của thế giới.
Đối với khía cạnh tác động tới môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, trên toàn tuyến sử dụng 29% kết cấu là cầu, 7% kết cấu là hầm và hơn 60% kết cấu là nền đường. Các công trình ga được bố trí phù hợp với quy hoạch và đáp ứng được yêu cầu vận tải, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khu vực, phát huy được tiềm năng kinh tế, thương mại của các địa phương. Trong bước tiếp theo, khi có đủ các số liệu khảo sát, thiết kế chi tiết, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo tối ưu, giúp Dự án được thực hiện đạt hiệu quả cao.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Đồng thời, với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần tăng trưởng.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Các đại biểu tham gia ý kiến về phương án và hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội của dự án, các chính sách đặc thù, đề nghị áp dụng việc khai thác đồng bộ với các tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1m và kết nối với các tuyến đường bộ, đường cao tốc và các tuyến đường sắt quốc tế sẽ kết nối.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu hôm nay và tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tại phiên họp này, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được Quốc hội thông qua cho đường sắt tốc độ cao và những đặc thù của dự án, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sử dụng 15/19 cơ chế chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, và thêm vào 3 cơ chế chính sách khác. Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
PV/quochoi.vn (t/h)