Điều giá trị nhất đối với một con người là sự sống. Việc ghép tạng có thể giúp nhiều người mắc bệnh nặng kéo dài sự sống, nên việc hiến tặng mô, tạng mang giá trị nhân văn, nhân đạo rất lớn.
Đó không chỉ là sự chia sẻ sinh mệnh, mà còn là niềm hy vọng đối với những bệnh nhân đang chờ đợi một phép màu để giữ lại sự sống. Khi hiến tặng mô tạng, người cho không chỉ trao đi một phần cơ thể mà còn trao tặng sự sống, niềm tin và sự tiếp nối cho những người khác.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này mới đây Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam.
Nguồn mô, tạng chưa đáp ứng nhu cầu
Người Đưa Tin: Được biết, nhu cầu ghép mô, tạng của bệnh nhân trên cả nước ta là rất lớn nhưng số lượng mô, tạng hiến hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
TS Nguyễn Hoàng Phúc: Mặc dù nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn, nhưng nguồn mô, tạng hiến từ người chết não vẫn còn thiếu hụt, chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Tính tới 1/12/2024, cả nước đã ghép mô, tạng được 9,297 ca, trong đó số ca chết não hiến tặng còn rất khiêm tốn, khoảng 6%. Tuy nhiên, nếu tính riêng trong năm 2024, thì tỉ lệ chết não hiến tặng đã tăng lên khoảng 11%. Con số trên cho thấy, nguồn tạng hiến tặng từ nguồn chết não đã có thay đổi.
Hiện nay Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ban hành từ năm 2006 cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn. Đặc biệt, trong việc thúc đẩy nguồn hiến tạng từ trẻ em chết não để cứu chữa các bệnh nhân nhỏ tuổi suy tạng.
Người Đưa Tin: Có một thực tế hiện nay là người đăng ký hiến tạng rất nhiều, nhưng sau khi qua đời, người nhà không đồng ý, theo ông trong tình huống này mình nên làm gì để ý nguyện của người hiến tạng được thực hiện trọn vẹn?
TS Nguyễn Hoàng Phúc: Trong nhiều năm qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp với các tổ chức như Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng.
Kết quả là số người đăng ký hiến tạng tăng mạnh, từ 265 người năm 2014 lên khoảng 105.000 người vào năm 2024, với số người chết não hiến tặng cũng tăng lên 11%. Dù vậy, nếu gia đình không đồng ý, việc tiếp nhận mô, tạng hiến tặng sẽ gặp khó khăn.
Việc này, theo tôi việc chia sẻ ý nguyện hiến tặng với người thân trong gia đình là rất quan trọng, để đảm bảo ý nguyện được tôn trọng và góp phần phát triển văn hóa hiến tặng trong cộng đồng.
Người Đưa Tin: Có những trường hợp xúc động nào về người chết não ra đi nhưng vẫn kịp trao lại món quà sự sống mà ông ấn tượng?
TS Nguyễn Hoàng Phúc: Trong quá trình công tác tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, có nhiều câu chuyện xúc động mà tôi vẫn nhớ.
Cuối năm 2023, anh Nguyễn Thành Trung ở Thái Nguyên cùng gia đình đã hiến tặng một phần cơ thể để cứu sống nhiều bệnh nhân, với tinh thần "cho đi là còn mãi".
Quyết định này của anh đã truyền cảm hứng cho ông Nguyễn Xuân Khu - cha anh Trung. Nhiều năm qua, ông Khu vẫn tham gia tích cực vận động hiến tặng mô, tạng trong cộng đồng.
Hay 6 năm trước, năm 2018, bé Hải An - con gái chị Thùy Dương đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều người về nghĩa cử cao đẹp hiến tặng mô, tạng. Sau đó, đã tạo nên một làn sóng đăng ký hiến tặng mô, tạng to lớn ở Việt Nam.
Trước khi mất, con có tâm nguyện muốn được trao ánh sáng cho những người không may, không được nhìn thấy. Không chỉ hoàn thành tâm nguyện này của con, chị Thùy Dương đã tiếp tục hành trình ấy bằng công việc tại ngân hàng giác mạc và tham gia tích cực vào Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Hàng ngày chị tư vấn, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký hiến tặng mô, tạng cũng như tiếp nhận giác mạc hiến tặng để cùng nhau trao truyền ánh sáng nhưng những bệnh nhân bị mù khác.
Làm sao hạn chế tối đa việc mua bán mô, tạng?
Người Đưa Tin: Thưa ông, việc hiến tặng tạng vẫn còn nhiều khó khăn, công tác tư tưởng cho người hiến tạng cần những yếu tố nào để giúp gia tăng nguồn tạng hiến, để nhiều người đang bị bệnh sẽ có cơ hội tiếp tục sống hơn nữa?
TS Nguyễn Hoàng Phúc: Tôi cho rằng đây là vấn đề khá tế nhị. Tuy nhiên, về cơ bản việc tiếp nhận mô, tạng hiến tặng từ người chết não phải xuất phát từ ý nguyện của người hiến tặng trước khi chết/chết não.
Đồng thời, phải có mạng lưới tư vấn, điều phối trong khu vực cũng như đơn vị tư vấn, điều phối tại các cơ sở y tế để có thể chủ động tiếp cận trực tiếp các ca chết não cũng như chết não tiềm năng, để từ đó có cơ hội tiếp nhận mô, tạng hiến tặng.
Người Đưa Tin: Hiện nay, pháp luật đã quy định cụ thể các điều cấm, những quy định hình thức xử phạt rất cao trong việc hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Nhưng thời gian qua, tình trạng mua bán nội tạng vẫn diễn ra, theo ông cần làm gì để hạn chế tối đa tình trạng này?
TS Nguyễn Hoàng Phúc: Theo tôi, để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, tôi cho là cần thực hiện một số vấn đề như: Sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Tổ chức chẩn đoán chết não, hồi sức và lấy tạng tại chỗ, không vận chuyển người chết não hiến tạng tới cơ sở y tế khác. Hiến tạng là nhân đạo, do đó cần xác định rõ tạng hiến là Quà tặng sự sống, là tài sản Quốc gia.
Tôi cho rằng, cho và nhận tạng cần thực hiện theo nguyên tắc nhân đạo, công bằng và tuân thủ pháp luật. Chỉ tiến hành ghép tạng khi người ghép có tên trong "Danh sách chờ ghép Quốc gia" và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn "Danh sách chờ ghép Quốc gia" là cơ sở pháp lý cho việc điều phối.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Lành (t/h)