Long An nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước

UBND tỉnh Long An đã ký văn bản chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nướcNâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước (Ảnh: KT)

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới; nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội;

Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025;

Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch thoái vốn trong giai đoạn 2024 - 2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ;

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao tại các kế hoạch, quyết định và các văn bản khác liên quan;

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực thời kỳ 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2030 để gắn với chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực nhằm phát huy nguồn lực quan trọng của tỉnh;

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cho người dân và doanh nghiệp;

Chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời, phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì  lợi ích chung, trong đó có lợi ích của người dân và doanh nghiệp;

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định của pháp luật có liên quan: thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, năng lượng,...góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch, Giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy cách làm mới, quyết tâm, quyết liệt trong hành động;

Khẩn trương triển khai có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản, nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý của doanh nghiệp;

Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt; các nhiệm vụ, chỉ đạo liên quan của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao; tạo tiền đề quan trọng và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cho cả nền kinh tế của tỉnh. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Nghiên cứu gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành lĩnh vực mới nổi;

Ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo;

Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao, góp phần cao nhất bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP khẩn trương rà soát, thực hiện theo quy định.

Trường hợp cần phải thay đổi, điều chỉnh về đề án sắp xếp, doanh nghiệp xây dựng đề án mới, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, chỉ đạo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện; phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt chủ trương trong năm 2024.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công ích thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ công ích, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Thuận Yến(t/h)