Xuất khẩu cà phê năm 2025 dự báo đạt 7 tỷ USD

Như mọi năm khi cà phê vào vụ thu hoạch, giá cà phê sẽ giảm. Nhưng năm nay, giá tăng từ lúc bắt đầu thu hoạch đến khi kết thúc và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là trường hợp rất hiếm. Giá cà phê trong nước giữ ở mức cao được cho là hưởng lợi từ biến động giá cà phê thế giới.

Giá cà phê trong nước từ đầu năm 2025 đến nay tăng tốc và hiện đang ở mức trung bình 132.500 đồng/kg - gần chạm mốc lịch sử 134.000 đồng/kg (thời điểm ngày 29/4/2024).

Cụ thể trong ngày 14/2, trên sàn NewYork – Mỹ, giá cà phê Arabica tiếp tục tăng ở 3 kỳ hạn giao hàng tháng 3, tháng 5 và tháng 7/2025. Kỷ lục mới được thiết lập ở kỳ hạn giao gần nhất, tăng 160 USD/tấn, lên 9.680 USD/tấn, tương đương 244,6 triệu đồng/tấn. Như vậy, trong vòng 15 năm qua, giá cà phê Arabica đã tăng tới hơn 60%. Trong khi đó, trên sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2025 tăng lên ngưỡng 5.817 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 5 là 5.821 USD/tấn.

Việt Nam :Xuất khẩu cà phê năm 2025 dự báo sẽ đạt 7 tỷ USDViệt Nam :Xuất khẩu cà phê năm 2025 dự báo sẽ đạt 7 tỷ USD

Trước đó, thời điểm đầu năm 2024, giá cà phê đạt 70.000 đồng/kg và tăng lên 80.000 đồng/kg vào ngày 15/2/2024, sau đó tiếp tục vượt qua ngưỡng 90.000 đồng vào giữa tháng 3/2024.

Theo đó, sau khi điều chỉnh giảm nhẹ trong những ngày đầu năm 2025, giá cà phê thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, trong đó, cả 2 mặt hàng cà phê Robusta và Arabica ghi nhận các mức giá kỷ lục trong suốt hàng chục năm qua.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thể hiện, tháng 1/2025, xuất khẩu cà phê ước đạt 140 nghìn tấn với giá trị đạt 763 triệu USD, giảm 41,1% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1/2025 ước đạt 5.450 USD/tấn, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024.

2 thị trường cà phê Arabica lớn nhất thế giới là Colombia và Brazil đều biến động, trong đó, lo ngại nguồn cung sụt giảm vẫn là nguyên nhân chính. Hợp đồng tương lai cà phê Arabica trên sàn giao dịch New York – một chỉ số tham chiếu toàn cầu – đã tăng 70% trong năm ngoái và tiếp tục tăng thêm 37% từ đầu năm nay do nguồn cung hạn chế.

Giá cà phê Arabica được hỗ trợ khi tổ chức nghiên cứu Cepea của Brazil cho biết nhiều nông dân trồng cà phê ở Brazil đang trì hoãn bán ra với kỳ vọng giá sẽ còn cao hơn. Một yếu tố tích cực khác đối với giá cà phê là động thái của Conab, cơ quan dự báo nông sản của chính phủ Brazil, đã cắt giảm ước tính sản lượng cà phê Brazil năm 2024 xuống còn 54,2 triệu bao, giảm 1,1% so với dự báo tháng 9/2024 là 54,8 triệu bao.

Khả năng Mỹ đánh thuế hàng hóa khu vực Nam Mỹ cũng thúc đẩy mặt hàng này tăng giá. Vì khi đó, cà phê Brazil, Colombia, Peru... sẽ đắt đỏ hơn, tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam. Ngoài ra, đồng nội tệ của Brazil và Việt Nam tăng giá trở lại so với USD đã hỗ trợ giá cà phê.

Hiện giá cà phê Arabica và Robusta chênh lệch khoảng hơn 3.700 USD/tấn. Những biến động của các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới sẽ tác động tích cực đến cà phê Việt Nam – nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới. Giá cà phê Arabica tăng cao liên tục khiến các nhà rang xay trên thế giới đã chuyển sang mua cà phê Robusta về để phối trộn.

Như tại Thụy Điển, thời tiết cực đoan đang đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, với dự báo một gói cà phê sẽ tăng thêm 1-1,5 USD trong đầu năm nay và dự kiến sẽ tăng mạnh ít nhất hai lần trong năm 2025. Mặc dù Thụy Điển và các nước Bắc Âu ưu tiên cà phê Arabica, nhưng giá cà phê Arabica tăng cao có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu tìm kiếm nguồn cung cà phê Robusta với giá hợp lý hơn.

Giá cà phê tăng vượt ngoài dự báo của doanh nghiệp. Để thích ứng với việc giá cà phê cao như hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê buộc phải mua cao, bán cao theo giá thị trường chứ không chốt giá trước từ sớm.

Như vậy trong bối cảnh giá cà phê tăng cao như hiện nay, nông dân sẽ thu được lợi nhuận rất cao, còn với doanh nghiệp, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Ông Nguyễn Nam Hải khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hạn chế tối đa việc mua xa – bán xa. Đồng thời, doanh nghiệp cần tạo liên kết với người nông dân để tạo ra những vườn cây có chất lượng cao, hướng đến phát triển bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường quảng bá cà phê Robusta như một giải pháp thay thế chất lượng với giá thành thấp hơn.

Tâm An (t/h)