KINH TẾ Bất động sản

2022 sẽ là năm “nổi sóng” của hạ tầng giao thông?

Kỳ Văn

Kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã tập trung bố trí vốn để hoàn thiện các dự án về GTVT trên địa bàn Tp.HCM và kết nối với các tỉnh lân cận.

Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho hay, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT - đòn bẩy phát triển bất động sản vùng Tp.HCM.

Theo bà Hạnh, trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Tp.HCM đã được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư, một số công trình quan trọng mang tính động lực, lan tỏa đã hoàn thành tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như của cả khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã tập trung bố trí vốn để hoàn thiện các dự án về GTVT trên địa bàn Tp.HCM và kết nối với các tỉnh lân cận. Cụ thể, về đường bộ, bao gồm: Hệ thống quốc lộ; đường cao tốc; đường vành đai và giao thông đô thị. Về đường sắt, gồm đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.

Trong đó, theo quy hoạch phát triển đường sắt, trên địa bàn thành phố bên cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có sẽ định hướng phát triển các tuyến đường sắt để tăng cường kết nối TP.HCM với các địa phương trong vùng và kết nối cảng biển.

Còn về hàng không, gồm CHKQT Tân Sơn Nhất và Cảng HKQT Long Thành. Với một thành phố quy mô dân số 9 triệu như TP.HCM, nhu cầu vận tải hành khách nói riêng không thể đảm nhận nổi bởi loại hình vận tải đường bộ mà cần phải đầu tư sớm hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn bên cạnh việc tổ chức lại để tối đa hóa năng lực vận tải của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có.

Không chỉ đa dịch vụ, tiện ích, mỹ quan .... mà kết nối giao thông thuận tiện cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công của một thành phố lớn. Để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân của vùng, cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, các tuyến cao tốc và quốc lộ hướng tâm, hệ thống đường sắt đô thị, sân bay....

Bộ Giao thông vận tải cùng với TP.HCM đang kiến nghị một số nội dung để giải quyết các "nút thắt" về hạ tầng tương xứng với vai trò TP.HCM là cầu nối, trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước nhằm liên kết giữa khu vực kinh tế phát triển nhất cả nước (vùng Đông Nam Bộ) và khu vực sản xuất lúa gạo, thủy sản trọng điểm quốc gia (vùng Tây Nam Bộ):

Một là, hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, rà soát và triển khai xây dựng các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh theo Luật Quy hoạch mới đảm bảo tính đồng bộ đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững.

Hai là bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải kết nối giữa TP.HCM với Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Ba là xây dựng quy chế phối hợp liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh Vùng Tây Nam Bộ đồng thời duy trì cơ chế phối hợp với các tỉnh Đông Nam Bộ đảm bảo hoạt động phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong triển khai đầu tư các dự án giao thông.

Bốn là chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch một số dự án nhằm tăng cường và hỗ trợ kết nối như: cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư, cao tốc Trung Lương - Bến Tre; cao tốc Hồng Ngự (cửa khẩu Dinh Bà) – Trà Vinh; trục động lực TP.HCM – Long An - Tiền Giang, các tuyến liên kết vùng v.v...;

Năm là tiếp tục hoàn thiện các dự án đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 để sớm đưa vào khai thác làm cơ sở để triển khai các dự án giai đoạn 2021-2025;

Cuối cùng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thể chế đầu tư theo hình thức PPP để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các dự án đảm bảo đúng tiến độ theo quy hoạch.