ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

5 công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người

Kỳ Văn

Hiện nay, rất nhiều xu hướng công nghệ đã vượt qua giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D) để đi vào cuộc sống hàng ngày. Trong đó, năm xu hướng sau đây được cho là có những tác động sâu sắc nhất đến xã hội và nhân loại nói chung.

1. Trí tuệ nhân tạo

Ảnh: Getty Images

Trí tuệ nhân tạo, hay AI và machine learning (máy học) liên quan đến khả năng học hỏi và hành động thông minh của máy móc, có nghĩa là chúng có thể đưa ra quyết định, thực hiện nhiệm vụ và thậm chí dự đoán kết quả trong tương lai dựa trên những gì chúng học được từ dữ liệu.

Ngày nay, AI và máy học đang ngày càng giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Alexa, Siri, các đề xuất sản phẩm của Amazon, các đề xuất được cá nhân hóa của Netflix và Spotify, mọi tìm kiếm trên Google mà bạn thực hiện, kiểm tra bảo mật đối với các trường hợp mua hàng bằng thẻ tín dụng lừa đảo, ứng dụng hẹn hò, trình theo dõi vận động..., tất cả đều do AI điều khiển.

AI sẽ cách mạng hóa hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Như Stephen Hawking nói: “Thành công trong việc tạo ra AI sẽ là sự kiện lớn nhất trong lịch sử loài người”. Và Hawking ngay lập tức tiếp lời rằng, "Thật không may, đây cũng có thể là lần cuối cùng, trừ khi chúng ta học cách tránh những rủi ro".

Chúng ta đều biết rằng có những rủi ro tiềm ẩn rất lớn đối với xã hội và cuộc sống của con người, đặc biệt là khi một số quốc gia đang chạy đua để phát triển vũ khí tự động được điều khiển bởi AI.

Nhưng đồng thời, AI và máy học cũng là nền tảng để xây dựng và phát triển các công nghệ khác. Ví dụ, nếu không có AI, chúng ta sẽ không đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc trong Internet of Things (Internet vạn vật), thực tế ảo, chatbot, nhận dạng khuôn mặt, robot, tự động hóa hoặc ô tô tự lái, v.v.

Bên cạnh đó, AI cũng sẽ biến đổi công việc của con người. Như tự động hóa được điều khiển bởi AI sẽ có tác dụng đáng kể và có thể dẫn đến thay đổi trong nhiều công việc hiện nay. Nhưng thay vì cứ mãi đặt tầm nhìn vào một tương lai loạn lạc nơi tất cả công việc của con người được giao cho robot, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng AI sẽ giúp cho đời sống làm việc của con người trở nên tốt hơn. Nó sẽ nâng cấp công việc của con người, và các việc mới sẽ được sinh ra để thay cho "các công việc bị AI thay thế".

Hơn nữa, khi máy móc trở nên thông minh hơn và có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ của con người hơn, thì những khả năng độc đáo của con người, những thứ như sáng tạo, đồng cảm và tư duy phản biện sẽ trở nên quý giá hơn trong tương lai.

2. Công nghệ gen

Ảnh: Getty Images

Genomics (Hệ gen học) là một lĩnh vực sinh học liên ngành tập trung vào việc tìm hiểu và vận dụng ADN và bộ gen của các sinh vật sống. Trong đó, chỉnh sửa gen là một nhóm công nghệ cho phép kỹ thuật di truyền thay đổi cấu trúc ADN và gen của các sinh vật sống.

Công nghệ sinh học vẫn đang hướng tới mục đích có thể thay đổi được ADN mã hóa trong tế bào, nhằm tác động đến các đặc tính di truyền lên thế hệ sau. Ở thực vật, công nghệ này có thể giúp thay đổi số lượng hoặc màu sắc của lá, trong khi ở người, nó có thể ảnh hưởng đến chiều cao, màu mắt hoặc khả năng mắc bệnh của chúng ta.

Điều này mở ra một loạt các khả năng gần như không giới hạn, bởi lẽ nó có nghĩa là bất kỳ đặc tính di truyền nào của một cơ thể sống về mặt lý thuyết cũng đều có thể thay đổi được.

Phần lớn công việc mà công nghệ chỉnh sửa gen nhắm tới là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong đó, các dự án đang được quan tâm nhất hiện nay là việc điều chỉnh các đột biến ADN có khả năng gây ra các bệnh nghiêm trọng như ung thư hoặc bệnh tim. Tuy nhiên, đây cũng là công nghệ phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến đạo đức và pháp lý.

Hiện nay, việc chỉnh sửa bộ gen ở người đang bị cấm ở nhiều quốc gia, bao gồm hầu hết các nước châu Âu, vì kết quả lâu dài của nó vẫn chưa được hiểu rõ.

Với những thứ có khả năng biến đổi xã hội như gen, người ta sẽ nghĩ đến những khả năng như việc xóa sổ ung thư hoặc thậm chí kéo dài tuổi thọ con người một cách vô thời hạn. Tuy nhiên trên thực tế, những tiến bộ khổng lồ như vậy có thể sẽ còn lâu mới xảy ra, và chỉ trong trường hợp chúng có thực sự trở thành hiện thực.

Trong khi đó, việc tập trung giải quyết các vấn đề nhỏ hơn sẽ tác động ngay lập tức đến thế giới thực và có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian ngắn.

3. Giao diện Con người-Máy móc

Ảnh: Getty Images

Giao diện Con người-Máy móc tạo ra các thiết bị và công nghệ có thể đeo được (wearable) giúp cải thiện hoạt động thể chất và tinh thần của con người, đồng thời giúp chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh và tốt đẹp hơn. Có lẽ các ví dụ phổ biến nhất về thiết bị đeo ngày nay là fitness tracker (thiết bị theo dõi vận động) và đồng hồ thông minh. Đây các thiết bị nhỏ, dễ đeo và thường theo dõi hoạt động, cung cấp thông tin chi tiết giúp chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thuật ngữ "wearable" (có thể đeo được) không nhất thiết có nghĩa là thứ mà bạn đeo vào cổ tay hoặc ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể; mà nó còn có thể mở rộng ra thành trang phục thông minh (smart clothing) như giày chạy bộ có thể đo dáng đi và hiệu suất của bạn, bộ phận nhân tạo robot hay công nghệ có thể đeo được robot được sử dụng trong các môi trường công nghiệp.

Khi công nghệ ngày càng nhỏ hơn và thông minh hơn, phạm vi tuyệt đối của thiết bị đeo được sẽ mở rộng và các sản phẩm mới, nhỏ hơn, thông minh hơn sẽ xuất hiện để thay thế các thiết bị đeo mà chúng ta quen thuộc ngày nay. Ví dụ: chúng ta đã có kính thông minh, nhưng chúng có khả năng được thay thế bằng kính áp tròng thông minh. Sau đó, kính áp tròng thông minh có khả năng sẽ được thay thế bằng cấy ghép mắt thông minh.

Những tiến bộ như thế này khiến nhiều người tin rằng con người và máy móc cuối cùng sẽ hợp nhất để tạo ra "con người với khả năng tăng cường", transhumans hoặc con người 2.0, nơi cơ thể con người được "cải tiến"để nâng cao hiệu suất về thể chất và tinh thần. Điều này sẽ biến đổi thế giới y học và thậm chí có thể thách thức sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của việc trở thành con người.

Ở cấp độ xã hội, điều này có thể làm trầm trọng hơn sự phân hóa giàu nghèo, giữa những người có và không có. Bởi lẽ, công nghệ này hứa hẹn sẽ giúp chúng ta sống lâu và khỏe mạnh hơn, thậm chí có thể đem lại cơ hội trường sinh bất tử, nhưng có lẽ chúng chỉ dành cho những người có đủ khả năng. Hãy tưởng tượng một xã hội trong đó những người giàu có thực sự là những siêu nhân trường sinh bất tử, và tất cả những người khác đều là người bình thường và chịu thiệt thòi ... Ngoài ra, còn một câu hỏi liên quan đến đạo đức là việc liệu chúng ta có nên kéo dài sự sống trước sự quá tải đang diễn ra trên hành tinh này hay không.

4. Thực tế mở rộng (XR)

Ảnh: Getty Images

Thực tế mở rộng (Extended reality), bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (mixed reality) đề cập đến việc sử dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm nhập vai kỹ thuật số (immersive digital experiences) phong phú hơn.

Trên thực tế, XR đang được sử dụng để tăng mức độ tương tác với thương hiệu, cho phép khách hàng dùng thử trước khi mua, nâng cao dịch vụ khách hàng, giúp cho việc học tập tại nơi làm việc hiệu quả hơn và cải thiện các quy trình tổ chức khác.

XR cung cấp những cách thú vị và hoàn toàn mới để mọi người trải nghiệm thế giới xung quanh. Công nghệ này đã và đang tìm ra những ứng dụng thực tế trong thế giới của chúng ta và có khả năng thay đổi đáng kể cách chúng ta tương tác với công nghệ. Trên thực tế, trải nghiệm AR dựa trên thiết bị di động như ứng dụng Pokemon Go, đã tạo ra hơn 3 tỷ USD doanh thu toàn cầu vào năm 2018.

Ngoài ra, XR cũng là giao diện người dùng trong metaverse - một vũ trụ ảo nơi chúng ta có thể là bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì chúng ta muốn trong khi khám phá thế giới kỹ thuật số của trò chơi, gặp mặt, tham dự sự kiện, v.v.

Nhưng khả năng tiếp cận và tính khả dụng là những trở ngại rõ ràng cần vượt qua, vì tai nghe XR có thể đắt tiền, cồng kềnh và trông kỳ cục. Nhưng trong tương lai, công nghệ này có thể sẽ trở nên phổ biến hơn, giá cả phải chăng và thoải mái hơn cho người sử dụng, khi đó nó sẽ mở rộng cơ hội trải nghiệm đến nhiều người hơn.

Tuy nhiên, những thách thức lớn nhất sẽ bao gồm quyền riêng tư và các tác động tiềm ẩn về tinh thần và thể chất của các công nghệ mang tính nhập vai cao.

5. In 3D

Ảnh: Getty Images

In 3D, còn được gọi là công nghệ sản xuất đắp lớp (additive manufacturing), có nghĩa là tạo ra một vật thể ba chiều từ một tệp kỹ thuật số bằng cách đắp chồng các lớp vật liệu lên nhau. In 3D có vẻ là công nghệ thấp hơn hẳn so với trí tuệ nhân tạo hoặc chỉnh sửa gen, nhưng nó có tiềm năng thay đổi hoàn toàn ngành sản xuất và các ngành công nghiệp khác.

Công nghệ in 3D trong tương lai có thể giúp các nhà máy nhanh chóng in các bộ phận thay thế cho máy móc tại chỗ. Toàn bộ dây chuyền lắp ráp có thể được thay thế bằng máy in 3D. Ngoài ra, chúng ta còn có thể in các mô để cấy ghép cho người, in vũ khí, hay thậm chí là in thực phẩm.

Công nghệ in 3D mang lại nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đem lại một số mặt trái, thách thức và trở ngại cần vượt qua. Mặc dù nó có khả năng giảm các tác động của quá trình sản xuất lên môi trường bằng cách sử dụng ít vật liệu hơn về tổng thể, nhưng chúng ta cũng phải xem xét lại tác động của chính máy in lên môi trường.

Ngoài ra, in 3D cũng đem đến nhiều vấn đề cho các chủ sở hữu sở hữu trí tuệ, vì công nghệ này cho phép những kẻ làm giả dùng giấy phép giả sản xuất hàng hóa với giá rẻ hơn và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc vũ khí có thể dễ dàng được tạo ra bằng công nghệ in 3D cũng là một vấn đề không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, điều đặc biệt thú vị về in 3D là tiềm năng cảu nó trong việc cá nhân hóa hàng loạt sản phẩm. Với công nghệ in 3D, các sản phẩm và kiểu dáng có thể được tùy chỉnh để phù hợp với yêu cầu theo đơn đặt hàng. Điều này có thể bao gồm mọi thứ từ giày thể thao cá nhân đến việc cá nhân hóa thực phẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người.