ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

80% tài nguyên dữ liệu của Việt Nam đang ở nước ngoài

Kỳ Văn

Dữ liệu là tài sản chiến lược, nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế của mọi tổ chức, cá nhân. Song, 80% nguồn tài nguyên quý này của Việt Nam đang ở nước ngoài.

Dữ liệu là nguồn tài nguyên dầu mỏ thế kỷ 21

Đó là nhận định của ông Phạm Anh Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) về vai trò, cũng như nguồn lợi mà dữ liệu có thể mang lại cho kinh tế xã hội trong kỷ nguyên Dữ liệu hoá.

Vậy để xây dựng, tạo điều kiện cho việc quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu được hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần làm gì để tối ưu hóa nguồn tài nguyên quý giá này là vấn đề đang rất được quan tâm.

Ông Phạm Anh Chiến, Phó Chủ tịch VIA điều phối phiên Toạ đàm sự kiện Internet Day 2021

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng, dữ liệu khác với dầu mỏ, nó sinh ra trong quá trình phát triển đời sống của con người, đồng thời cũng không có giới hạn. Tuy nhiên, dữ liệu có giá trị hay không, con người sử dụng dữ liệu như thế nào mới là điều quan trọng.

Trước bài toán đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), ông Phạm Đức Long chỉ ra cần nhấn mạnh 3 vấn đề chính.

Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức. Dữ liệu là tài sản chiến lược của cơ quan, tổ chức, cá nhân, là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, 80% tài nguyên để tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, đang ở nước ngoài. Rõ ràng, chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này.

Từ đó, Thứ trưởng mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng nhau đưa ra những giải pháp, để dữ liệu được nhìn nhận đúng đắn hơn, xứng đáng là nguồn tài sản quý của nước ta.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết: "80% tài nguyên để tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, đang ở nước ngoài"

Thứ hai, Bộ TT&TT kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung ta xây dựng hạ tầng số, trong đó có hạ tầng dữ liệu. Thứ trưởng cho biết, hiện hnay Bộ TT&TT đang sửa đổi Luật Viễn thông, đưa các trung tâm dữ liệu là một thành phần của hạ tầng truyền thông, từ đó được quy hoạch, phát triển như một hạ tầng.

Mặt khác, các đơn vị xây dựng hạ tầng hiện nay còn rời rạc, không có sự chung sức đồng lòng trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu. Ông chỉ ra, các nhà mạng lớn có tiềm lực tài chính để đầu tư lại chậm phát triển về nền tảng số, ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ năng động, có năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ số, lai không có khả năng về đầu tư hạ tầng.

Do vậy, doanh nghiệp cần chung tay xây dựng và phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu mang tầm vóc khu vực. Có như vậy, Việt Nam mới sẵn sàng cho sự phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Thứ ba, về vấn đề khai thác dữ liệu, cần hình thành văn hoá số, đồng thời bảo vệ giá trị đạo đức, an toàn an ninh mạng.

Đại diện Bộ TT&TT bày tỏ mong muốn, 65 nghìn doanh nghiệp số hiện tại sẽ đồng hành với 1 triệu doanh nghiệp, qua đó hình thành 1 triệu doanh nghiệp số trong tương lai, có vậy mới bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng lần thứ tư.

Sự thật về con số 80%

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng & Phòng chống tội phạm, Bộ Công An : “Thực chất, con số 80% về dữ liệu ở đây đang có sự đồng nhất khái niệm”.

Ông cho biết, đây là những dữ liệu từ BigDataa, IoT, blockchain, công nghệ của các hãng nước ngoài, thông tin người dùng được lưu trữ tại đó.

Hiện nay, Internet là hạ tầng chính trên không gian số, đó là nơi trung chuyển dữ liệu cũng như sinh ra dữ liệu, vậy nên cách con người quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu mới là cách để tạo nên giá trị của dữ liệu.

Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Bộ Công An

Về vấn đề này ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Công nghệ thông tin VNPT - VNPT IT, Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam VNPT chia sẻ: “80% ở đây cần được hiểu là dữ liệu, thông tin cá nhân trên các nền tảng cá nhân”.

Qua đó, cần chia ra 2 bài toán rõ ràng, một là bài toán với yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp, hai là với công tác quản lý.

Con số 80%, chúng ta mới chỉ nhìn ở góc độ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng của nước ngoài, dữ liệu sinh ra từ quá trình đó. Điều này rất khó thay đổi, bởi không thể ép buộc người dùng lựa chọn dịch vụ trên KGM.

Ngược lại, nếu xét trên góc độ quản lý, ở những mảng cơ quan nhà nước có lợi thế như hành chính công, không có cơ quan, tổ chức nước ngoài nào có thể cung cấp dịch vụ cho người dân, ngoài các cơ quan do Nhà nước uỷ quyền. Tương tự với lĩnh vực y tế, giáo dục,..

Cuộc chiến không cân sức với BigTech

Đứng trên lập trường của những cơ quan chủ lực về truyền thông, CNTT, đang nắm giữ một lượng lớn người dùng trên khắp cả nước, đại diện của Tập đoàn Viettel, ông Nguyễn Thế Nghĩa cho biết: "Trước hết cần có sự so sánh, nguồn lực của các BigTech như Google, Facebook, lợi thế về mặt kinh doanh là lớn hơn nhiều những doanh nghiệp trong nước".

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng ban CNTT, Viettel

Ví dụ như Google có 100 nghìn kỹ sư công nghệ, thì con số này ở Viettel chỉ là 5 nghìn, nếu sử dụng doanh nghiệp trong nước để đối chọi với BigTech, đạt được 80% trong cuộc chiến này là không cân sức.

Bên cạnh đó, điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó có chính sách từ cơ quan quản lý Nhà nước để vừa phù hợp với quan hệ quốc tế, vừa bảo vệ được dữ liệu của người dân, doanh nghiệp nước nhà.

Công nghệ số, dữ liệu số là sân chơi chung, muốn phát triển thì phải hội nhập. Điều các doanh nghiệp lớn trong nước đang làm là cố gắng phát triển từng ngày, nhưng để đảo ngược thì chưa từng nghĩ đến.

Mặt khác, đại diện Viettel cho biết, hiện nay cũng đang xây dựng hạ tầng kết nối viễn thông rộng khắp, trong giai đoạn 5 năm sắp tới, Viettel sẽ tiếp tục tiến mạnh vào hạ tầng dữ liệu, cụ thế là cơ sở dữ liệu, nền tảng xử lý dữ liệu.

Bên cạnh đó, đại diện VNPT cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về dữ liệu số.

Phó Tổng giám đốc VNPT, ông Hà Thái Bảo

Theo đó, cần xây dựng chiến lược, nền tảng tập trung vào nhu cầu thiết yếu của người dân - những mảng ta đã, đang làm tốt như y tế, giáo dục… Qua đó, tạo sự thuận tiện cho người dân, như vậy những hoạt động đó sẽ góp phần phát triển dữ liệu.

Nếu có quy hoạch tốt, ta sẽ có được cơ sở dữ liệu rất lớn và nhiều hơn từng ngày qua hoạt động thiết yếu của người dân về dịch vụ hành chính, y tế, ngân hàng,....

Năm 2021 cũng là năm đánh dấu sự kiện Internet Day Việt Nam được tổ chức 10 năm liên tiếp và trở thành một diễn đàn chất lượng, có uy tín đối với cộng đồng Internet Việt Nam, cũng như nhiều bạn bè quốc tế.

Sự kiện được diễn ra trực tiếp tại Khách sạn JW Marriot Hà Nội ngày 15/12/2021 và sẽ được phát sóng 08:00, ngày 21/12/2021.