KINH TẾ Tài chính

Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0: Mua sắm, tích điểm có dấu hiệu lừa đảo

Admin

Bên cạnh đầu tư forex, hàng loạt ứng dụng mua sắm, tích điểm liên tục được ra mắt, với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như hoàn tiền tới 80%, hay có thể gấp 5-6 lần số tiền, lôi kéo hàng nghìn người tham gia. Thậm chí, có đơn vị là đại diện một dự án vừa bị tố cáo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhà đầu tư chưa kịp xử lý xong, đã nhanh chóng phủi bỏ rồi sao chép, biến tướng một dự án tương tự tiếp tục dụ dỗ người dân.

Trong khi hàng nghìn người dân đang tố cáo Cty BBI Việt Nam chiếm đoạt nhiều tỷ đồng, đại diện BBI Thủ Đức (TPHCM) tiếp tục cho ra một phiên bản tương tự để dụ dỗ người dân

Chiêu trò hoàn tiền tới 80%

Thời gian gần đây, các ứng dụng mua sắm, hoàn tiền tích điểm với những chiêu trò tương tự như BBI Việt Nam đang thu hút hàng nghìn người tham gia.

Chúng tôi tiếp cận Dũng, một môi giới của ứng dụng IBG do Cty TNHH IBG Việt Nam vận hành. Người này không khỏi ngớt lời ca ngợi IBG là một dự án triệu đô của Việt Nam, giúp người dùng có thể làm giàu trong bối cảnh mua sắm online lên ngôi. Dũng phân tích, năm 2020, có hơn 2 tỷ người mua hàng online, với tổng trị giá giao dịch là 5.000 tỷ USD/năm, trong đó trị giá của ngành dịch vụ tích điểm dành cho khách hàng thân thiết đạt 500 tỷ USD/năm.

“IBG ra đời đem đến giải pháp công nghệ 4.0 tối ưu nhất hiện nay. Đối với người tiêu dùng sẽ được hoàn lại 80% giá trị tiêu dùng, còn doanh nghiệp được quảng cáo sản phẩm miễn phí trên ứng dụng. Chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào IBG, sau 3 tháng sẽ hoàn vốn, sau đó có thể nhận được tiền lãi gấp 5 lần số tiền đầu tư”, Dũng nói.

Thông qua giới thiệu của Dũng, chúng tôi nhận thấy mô hình của IBG không khác gì của MyAladdinz, ứng dụng đang được Bộ Công an và công an các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Phước cảnh báo có dấu hiệu đa cấp biến tướng.

Cụ thể, ứng dụng cũng dùng một đồng tiền ảo để mua sắm, sau đó hoàn chuyển qua điểm thưởng Point. Lộ trình trả tích điểm của IBG cũng trải qua 2 giai đoạn, từ ngày thứ 1 đến ngày 180, nhà đầu sẽ có 0.2% mỗi ngày và giai đoạn 2 là 0.1%.

Đặc biệt, để phát triển mạng lưới, IBG sử dụng cơ chế trả hoa hồng hấp dẫn theo mô hình đa cấp. Theo đó, IBG đưa ra các gói đầu tư như: Gói Bạc từ 500-4.999 points sẽ được hưởng 5% hoa hồng trực tiếp và 1% gián tiếp, đồng thời hưởng thêm 0,4% phí giao dịch. Gói Gold từ 5.000-149.999 points, nhà đầu tư được hưởng hoa hồng 6%, 1,5% gián tiếp và 0,5% phí giao dịch. Cứ như vậy, IBG tiếp tục các gói Bạch Kim 150.000-249.000 points và Kim Cương 250.000 points.

Để lấy point, người dùng phải dùng tiền thật để mua tiền đồng tiền “ảo” USDT (1 USD = 1 USDT), sau đó dùng đồng tiền này để mua IBG với tỷ giá mà công ty này tự vẽ 1 USDT = 1 IBG = 1 point. Ngoài ra, cứ mỗi lần giới thiệu nhà đầu tư F1 bỏ tiền mua điểm point sẽ được nhận hoa hồng, 2 F1 sẽ được hưởng 4 tầng, cho đến mức hoa hồng 18 tầng.

IBG đang quảng cáo rầm rộ có cơ chế tích điểm hoàn tiền tới 80% giá trị sản phẩm

IBG còn tạo ra sàn giao dịch IBG Exchange để người dùng có thể mua bán, trao đổi đồng IBG trên sàn này. Đáng chú ý, để các nhà đầu tư tin tưởng xuống tiền, IBG quảng cáo được bảo lãnh bởi Tập Đoàn OnesGroup có nguồn doanh thu cả nghìn tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, người đại diện của Cty TNHH IBG Việt Nam và Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Tập đoàn OnesGroup đều là ông Nguyễn Thành Bình. Đáng chú ý, vị này cũng chính là trưởng đại diện văn phòng Cty Cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam tại Thủ Đức (TPHCM) - một mô hình mua sắm, tích điểm tương tự đang bị hàng nghìn nhà đầu tư tố cáo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng mà báo Tiền Phong đã phản ánh.

Chưa được cấp phép

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, qua rà soát, ứng dụng IBG chưa đăng ký với Bộ Công Thương và chưa được đơn vị này cấp phép hoạt động.

Theo cơ quan này, “Tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền” (cashback) là việc người tiêu dùng, người mua được hoàn lại một phần tiền khi họ mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng internet được quảng cáo theo mô hình cashback có thể hoàn tiền từ 80% tới 100% hoặc thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thực tế việc “hoàn tiền” với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo các tỉ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05% - 0,1%/ ngày), không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.

Bên cạnh đó, việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử (ví dụ như Gem, CBP, IBG, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC…). Ngoài ra, người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành trên.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, các loại tiền ảo, ví điện tử này hiện không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.

Nhà đầu tư Việt đang bị "hút máu" bởi tiền ảo đa cấp

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) mới đây đã cảnh báo về một nhóm các đối tượng có dấu hiệu tổ chức kinh doanh đa cấp trái phép trên không gian mạng. Hoạt động này được thực hiện thông qua website winsbank.io.

Theo đó, Winsbank là sản phẩm của Công ty World Blockchain Holdings Limited. Công ty này hoạt động đầu tư vào nhiều lĩnh vực như casino, cá độ, xổ số, cho vay thế chấp tài sản số, tiền ảo Wincoin (Win) và phát hành cổ phiếu số Eshare (ESR). Để thu hút nhà đầu tư, Winsbank đưa ra rất nhiều lời "hứa hẹn" về tương lai của đồng tiền ảo Win và giá cổ phiếu ESR, kèm theo đó là các lợi ích kinh tế để đánh lừa người dân đầu tư tiền vào hệ thống với lãi suất cố định từ 2% đến 12%/năm. Cùng đó, Winsbank quảng cáo ngoài việc nhận lãi suất tĩnh khi đầu tư Wincoin hoặc lợi nhuận từ việc tăng giá của cổ phiếu ESR, nhà đầu tư còn có thể nhận thêm lợi nhuận khi tham gia giới thiệu thành viên mới đầu tư vào hệ thống theo mô hình kinh doanh đa cấp.

Theo Bộ Công an, hệ thống Winsbank là do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.