Apple vừa thông báo thông báo sẽ chi 110 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ, đánh dấu đợt mua lại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo dữ liệu từ Birinyi Associates, thương vụ này sẽ phá kỷ lục do chính nhà sản xuất iPhone đang nắm giữ.
Dữ liệu quá khứ cho thấy Apple là một trong những cái tên tích cực mua cổ phiếu quỹ nhất tại Mỹ. Cc tập đoàn hàng đầu khác như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google), Meta Platforms (công ty mẹ Facebook), Chevron, Walt Disney,… cũng đều có những đợt mua lại cổ phiếu của chính mình với giá trị lớn lên đến hàng chục triệu USD trong những năm qua.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đặc biệt ưa thích những doanh nghiệp mua lại cổ phiếu vì chiến lược đầu tư của ông là dài hạn, khoảng thời gian nắm giữ lên tới hàng chục năm. Theo quan điểm của vị tỷ phú này, dư thừa tiền mặt là dấu hiệu của một công ty có lợi thế cạnh tranh dài hạn. Bản thân Berkshire Hathaway của ông cũng tích cực mua lại cổ phiếu do chính mình phát hành.
Về mặt lý thuyết, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, góp phần cải thiện các chỉ số hiệu quả hoạt động tính trên nguồn vốn như thu nhập trên cổ phần (EPS), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)… Bên cạnh đó, mua lại cổ phiếu cũng là cách mà doanh nghiệp đứng lên đảm bảo cho lợi ích cổ đông khi giá cổ phiếu đi xuống.
Ngoài ra, động thái mua lại cổ phiếu cũng là một biện pháp giúp doanh nghiệp tránh khỏi các thế lực khác gom mua cổ phiếu khi giá lao dốc để thao túng, nhằm nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Thậm chí, đây cũng có thể là bước đệm cho doanh nghiệp thực hiện giảm vốn điều lệ thông qua việc mua và sau đó hủy số cổ phiếu quỹ đã mua.
Trước đây, hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ cũng diễn ra khá sôi động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với sự tham gia của nhiều cái tên đáng chú ý như Vicostone (VCS), TTC AgriS (SBT), Vinhomes (VHM), Sacombank (STB, Nhà Khang Điền (KDH), Thép Nam Kim (NKG),… Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động mua cổ phiếu quỹ diễn ra rất ảm đạm.
Vì sao doanh nghiệp Việt ngại mua cổ phiếu quỹ?
Loading...
Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 cũng có nhiều quy định tác động đến việc mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp.
Thứ nhất, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ bắt buộc phải hủy số lượng cổ phiếu quỹ đã mua, giảm vốn điều lệ. Điều này có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm tài chính. Việc giảm vốn sẽ ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn của ngân hàng (CAR), hệ số margin/VCSH của các công ty chứng khoán,…
Thứ hai, quy định cũng ràng buộc các công ty có ý định mua cổ phiếu quỹ phải được Đại hội cổ đông thông qua, trong khi trước đây, Hội đồng quản trị có thẩm quyền quyết định mua lại tối đa 10% số lượng cổ phần đã phát hành làm cổ phiếu quỹ. Thủ tục này khiến hoạt động mua cổ phiếu quỹ mất đi tính linh hoạt.
Thứ ba, các doanh nghiệp cũng không được phát hành tăng vốn trong 6 tháng sau khi mua cổ phiếu quỹ. Điều này khiến các doanh nghiệp có phần "e ngại" trước quyết định mua cổ phiếu quỹ bởi có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch huy động vốn trong tương lai gần.
Các quy định trên có phần khác biệt so với một số thị trường phát triển. Như tại Mỹ, doanh nghiệp có thể thực hiện mua cổ phiếu quỹ lên đến 25% vốn trong năm tài chính mà không bắt buộc phải giảm, hủy số cổ phiếu quỹ đã mua, dù có quyền lựa chọn hủy cổ phiếu quỹ nếu muốn.
Tương tự tại Anh, doanh nghiệp có thể mua cổ phiếu quỹ lên đến 15% vốn, có quyền lựa chọn phát hành lại số cổ phiếu quỹ đã mua, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về việc phát hành cổ phần mới, hoặc hủy số cổ phiếu quỹ này.
Hơn nữa, mua cổ phiếu quỹ cũng có một số điểm hạn chế như việc làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các tiêu chính đánh giá của nhiều rổ chỉ số quan trọng.
Các nguyên nhân trên khiến cho hoạt động mua cổ phiếu quỹ trở nên ảm đạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thay vào đó, hoạt động chia tách cổ phiếu lại diễn ra ngày càng phổ biến thông qua các hình thức phát hành, chào bán. Theo thống kê, hàng chục tỷ cổ phiếu sẽ được các doanh nghiệp niêm yết phát hành thêm trong thời gian tới.
Hà Linh