DOANH NGHIỆP Đầu tư

Bảo hiểm là lĩnh vực dự phòng và chống rủi ro nhưng bây giờ lại là rủi ro

Admin

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm”, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: bảo hiểm là một trong những lĩnh vực dự phòng và chống rủi ro nhưng bây giờ lại là rủi ro.

Trong những năm qua, ngành bảo hiểm đã có những đóng góp đáng ghi nhận đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm của ngành được đánh giá là rất ấn tượng.

Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm đã nảy sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, chăm sóc, cũng như bồi thường quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng... Những vụ việc gần đây liên quan đến bảo hiểm nhân thọ đang thu hút sự quan tâm của dư luận là những ví dụ.

Bảo hiểm là lĩnh vực dự phòng và chống rủi ro nhưng bây giờ lại là rủi ro.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ghi nhận nỗi lo lắng của cử tri về việc những người đầu tư bảo hiểm nay có thể gặp rủi ro và đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng bảo hiểm.

Thực tế hiện nay, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tham gia dịch vụ tài chính nói chung và người mua bảo hiểm nói riêng đang rất cấp thiết; bởi chỉ khi quyền lợi của người mua bảo hiểm được bảo vệ tốt thì thị trường bảo hiểm mới có cơ hội phát triển.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm”, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề quyền lợi của người mua bảo hiểm đang có tính thời sự. Đây là vấn đề mang tính thực tiễn chứ không phải đặt ra vấn đề để phỏng đoán hay dự báo.

Theo ông Nhưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhận được một đơn, 5 trang, tiêu đề là “Đơn khiếu nại” nhưng toàn bộ nội dung lại ở dạng tố cáo. Đơn này của khoảng 100 công dân khiếu nại có tính chất cá nhân nhưng cùng ký. Đơn có nội dung về việc một công ty bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng có hành vi lừa dối khách hàng tiền gửi tiết kiệm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Đến hôm nay, những người khiếu nại đặt ra 3 nhóm thiệt hại của 100 người trên, khoảng 25 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 3, tháng 4, có 73 người khiếu nại đã được công ty này thanh toán toàn bộ. Trong đó, công ty có bắt họ cam kết không được thông tin việc thanh toán đó, rồi phải bảo đảm giữ bí mật…

Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm”.

“Chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện liên quan đến liên quan đến tài chính, sở hữu chéo ngân hàng; sự móc nối chằng chịt giữa quan hệ tài chính giữa các chủ thể, ví dụ mối quan hệ giữa bảo hiểm và ngân hàng. Rõ ràng, bảo hiểm là một trong những lĩnh vực dự phòng và chống rủi ro nhưng bây giờ lại là rủi ro”, ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cho biết: Báo cáo số 469 của Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến: “Vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm”.

“Chúng tôi đã đề nghị và ngày 18/5/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức ra thông báo kết luận. Trong đó, đặt ra một loạt vấn đề cho các cơ quan ban ngành thực hiện”, ông Nhưỡng khẳng định.

Theo thông báo kết luận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm thực hiện một số nội dung, trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát về việc triển khai một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, để bảo đảm tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.