ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

Bphone B86 của ông Quảng "nổ" không có hệ điều hành Android "xịn"?

Admin

Tối qua, một "vọc sĩ" có nickname là Valkyrie-VT đã phát hiện trên phiên bản B86 (dòng Bphone 4) của Bkav vừa bán hôm 17/5 không thể cài đặt ứng dụng Netflix trên kho ứng dụng CH Play như nhiều dòng máy khác. Thông tin này đang xôn xao trên các diễn đàn công nghệ. Người yêu Bphone hoang mang. Kẻ ghét ông "Quảng nổ" cười cợt.

Theo "vọc sĩ" Valkyrie-VT, vì hệ điều hành Android đang chạy trên phiên bản B86 chưa có chứng nhận Play Protect của Google.

Chưa có tên trong danh sách đối tác của Google

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông và quan hệ công chúng phụ trách Việt Nam của Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương xác nhận với phóng viên Dân Việt: "không thấy tên Bkav trong danh sách đối tác của Google".

Tại địa chỉ: android.com/certified/partners, trong hai mục "Thương hiệu" và "Nhà sản xuất" không hề thấy tên Bkav mà thay vào đó là 4 tên tuổi khác quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam: FPT Telecom, Masstel, Mobiistar và Vsmart.

Bphone B86 của Bkav chưa được cấp chứng nhận Play Protect

Theo ông Văn Đức, một chuyên viên công nghệ có nhiều năm làm việc với nhóm phụ trách hệ điều hành Android của Google, cho biết: "Nếu thiết bị chạy hệ điều hành Android mà chưa được chứng nhận Play Protect sẽ không an toàn, không nhận được bản cập nhật hệ thống và cập nhật ứng dụng… Tình huống xấu nhất là có thể Google sẽ khóa các thiết bị chạy Android nếu không sẵn sàng với các tiêu chuẩn của họ. Lúc đó, chiếc smartphone sẽ trở thành cục gạch".

Theo ông D, để một thiết bị chạy hệ điều hành Android được cấp chứng nhận Play Protect, thiết bị đó phải đáp ứng các bài kiểm tra về cấu hình phần cứng và phần mềm từ phía Google.

Dễ mà khó

Ông Tuấn Anh, cựu giám đốc sản xuất của một hãng sản xuất smartphone của Việt Nam cho biết, dù Android là hệ điều hành mở nhưng không có nghĩa là nhà sản xuất muốn làm gì thì làm trên đó.

Trước hết, nhà sản xuất phải viết lại Android cho đúng với chipset, sau đó chuyển sang nhà sản xuất chipset để cấu hình phù hợp. Trước khi đưa máy ra bán trên thị trường, nhà sản xuất phải chuyển thiết bị mẫu để kỹ thuật Google kiểm tra mức độ tương thích với các ứng dụng lõi của họ như CH Play, Gmail, Youtube, phim, âm nhạc, drive… với thời gian dao động từ 30 - 45 ngày.

"Dù không thu tiền theo số lượng sản phẩm nhưng bên Google có yêu cầu các hãng ký một hợp đồng kiểm tra với một khoản tiền mang tính tượng trưng, coi như khoản phí mà nhà sản xuất thay mặt khách hàng trả tiền để được sử dụng các ứng dụng lõi của Google. Nếu hệ điều hành đó đạt các chuẩn mực sẽ được Google cấp chứng nhận Play Protect", ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.

"Vọc sĩ" Valkyrie-VT và khuyến cáo của Google khi hệ điều hành không có chứng nhận Play Protect

Trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc nhiều ứng dụng trên CH Play không thể cài đặt trực tiếp, ông Tuấn Anh kể, có lần nhân viên của ông "khóc ròng" khi không thể cài đặt Facebook trên dòng máy mới. Sau nhiều ngày vật lộn, hỏi đại diện Facebook mới biết, "ứng dụng này chưa cập nhật thiết bị mới" nên không cài được, phải chờ 3 – 4 ngày sau…

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, nhiều hãng sản xuất của Trung Quốc cũng xài Android nhưng không cần chứng nhận Play Protect vì không có nhu cầu sử dụng các ứng dụng lõi của Google. Về câu chuyện của Bkav với hệ điều hành BOS 8.6 của Bkav chưa có chứng nhận Play Protect, ông Tuấn Anh từ chối bình luận vì "không biết họ đã làm gì và làm như thế nào".

Theo một nguồn tin từ Bkav, từ tối ngày hôm qua cho đến nay, câu chuyện "hệ điều hành BOS 8.6 của Bkav chưa có chứng nhận Play Protect" đã được lãnh đạo công ty quan tâm sát sao. Dù phóng viên Dân Việt đã gởi câu hỏi đến bộ phận truyền thông của Bkav nhưng hiện nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này khi có thông tin phản hồi từ Bkav.