ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

Các kênh TikTok chữa bệnh, trục vong đang kiếm tiền ra sao?

Huy Hoàng

Từ nội dung tử vi trên TikTok, người dùng có thể tìm đến các nền tảng khác, sử dụng "dịch vụ tâm linh" với mức phí tiền triệu.

"Sức khỏe của cháu kém là do nguyên nhân về nghiệp âm của cháu lớn, tiền kiếp tu tập chưa được tốt... Ngoài sức khỏe kém, cháu còn dễ bị tai nạn, bỏng, điện giật, có bệnh về y học thì khó phát hiện... Nguy hiểm hơn nữa là chòm Âm binh dễ dẫn dắt cháu về mặt thần thức, đưa đến đa tính cách", là lời "phán" của một người tự xưng "cô Huế", kênh TikTok @CôH****** khi được khán giả hỏi lý do con mình hay bệnh tật.

Cuối clip, cô Huế đề nghị người hỏi nhắn tin riêng để được giải đáp vì "thời lượng của clip không cho phép". Dưới phần bình luận, cô Huế cho người xem thông tin liên lạc đến một ứng dụng nhắn tin để họ được "giải mã bí ẩn cuộc đời qua lá số".

Bói toán và bắt bệnh bằng ngày tháng năm sinh

Các nội dung "giải mã" của cô Huế cũng rất đa dạng. Kênh TikTok này nhận "coi" tình duyên, tương lai nghề nghiệp, tuổi thọ và cả bắt bệnh chỉ thông qua ngày tháng năm sinh người hỏi.

Phần lớn các nội dung trên kênh nói về kiến thức tử vi thông thường. Tuy nhiên, hầu hết vấn đề của người hỏi đều được cô Huế quy về "do tiền kiếp". "Do tiền kiếp chưa được tốt, gia tiên chưa độ nhiều nên về sức khỏe, tuổi thọ của con chưa được tốt", cô Huế nói trong một clip.

Nhân vật tư xưng "cô Huế" chữa bệnh tự kỷ bằng cách giải vong.

Trong clip khác đăng ngày 30/1, người này cho rằng bệnh nhân đang có vong theo. "Bệnh tự kỷ của con là do có âm binh theo đuổi, không phải bệnh trần... Muốn hết bệnh phải cúng để xin giải điện, trục giải âm binh", cô Huế trả lời khi được một người dùng hỏi cách chữa bệnh tự kỷ.

Khi phóng viên tìm thông tin về cô Huế, người này có cả trang dịch vụ tâm linh online "Lập và luận giải lá số tử vi chuyên sâu". Tại trang này, nhiều dịch vụ được đưa ra với mức phí đi kèm như "Giải vong theo" (5 triệu đồng), "Giải âm binh" (10 triệu đồng), cao giá nhất là "Phá giải sao xấu, trả nợ tiền kiếp" (15 triệu đồng). Đây là các mức phí còn lại sau khi được giảm giá.

Ngoài ra, cô Huế còn nhận giải vong cho cả hộ gia đình, công ty bởi "thường ở cơ quan, tổ chức, các vong linh tụ tập đông hơn nhiều".

Thực tế, nhiều kênh nội dung có chủ đề về tâm linh được TikTok gợi ý đến người dùng. Ngoài cô Huế, nền tảng video ngắn này còn giới thiệu các kênh như "Đồng thầy ******", "Cậu Đ*******", "Cậu H******"...

"Không thể dựa vào tiền kiếp để chữa bệnh"

Trả lời Zing, chuyên gia phong thủy Nguyễn Thành Phương, uỷ viên Hiệp hội Phong thuỷ Quốc tế IFSA (International Feng Shui Association) có trụ sở tại Singapore, ông gọi những dịch vụ như trên là "phi chính thống".

"Phong thủy, tử vi có dựa trên các yếu tố ngũ hành. Tuy nhiên, không ít người lợi dụng nó để kiếm tiền, trục lợi vì mục đích cá nhân. Các nạn nhân thường là những người không thể tìm ra hướng giải quyết trong thực tế và tìm đến đức tin có thể liên quan đến khoa học", ông Phương cho biết.

Bảng giá dịch vụ tâm linh từ trang cohue****.

"Chuyện tâm linh không thể dùng tiền giải quyết. Việc chữa bệnh cũng không thể dựa trên tiền căn. Bởi nếu nói đến tiền căn, mỗi người có vô vàn kiếp trước, làm sao biết kiếp nào để giải nghiệp?", ông nói, đồng thời khuyến nghị người dùng cần cảnh giác với các dịch vụ tâm linh được quảng cáo trên Internet hiện nay.

Điểm chung của tất cả trang này là lấy danh xưng tự phong, thường có một nhân vật chính xưng là “cậu”, “cô”, tự quảng cáo có năng lực đặc biệt luận giải được mọi vận hạn của con người thông qua đường chỉ tay, tướng mạo... nhằm mời chào người xem, tăng lượt theo dõi.

Dưới phần bình luận của các kênh này, đa số là lời "xin vía" của các tài khoản cho biết năm sinh từ 1997-2006. Cá biệt, có trường hợp nhờ "cô Huế" xem số mạng với năm sinh 2010. Đây là độ tuổi dưới mức được phép sử dụng nền tảng theo chính sách của TikTok.

Zing phản ánh video đăng tải hơn 3 tháng này với TikTok. Ngay trong ngày, clip này đã bị gỡ khỏi kênh. Tuy nhiên, TikTok vẫn chưa có phát ngôn chính thức về vụ việc.

Trong tháng 3, Tiktoker Thơ Nguyễn cũng đã bị phạt hành chính vì nội dung liên quan đến Kumanthong dành cho trẻ em. Hiện kênh này không còn hoạt động trên TikTok.

Trong chính sách của mình, TikTok khẳng định cấm các video có nội dung gây hiểu nhầm, lừa đảo. "Chúng tôi không cho phép bất cứ ai khai thác nền tảng để lợi dụng lòng tin của người khác, gây ra tổn hại về tài chính hoặc tổn hại cá nhân. Chúng tôi sẽ xóa những nội dung đánh lừa người khác nhằm thu lợi tài chính hoặc cá nhân bất hợp pháp, kể cả các âm mưu lừa đảo cá nhân hoặc đánh cắp tài sản", trích chính sách nội dung TikTok.

Bên cạnh đó, "Thông tin y khoa gây hiểu lầm có thể gây hại đến sức khỏe của cá nhân" cũng là nội dung bị cấm đăng tải trên nền tảng này.