Cải thiện môi trường đầu tư để có 240.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong năm 2024. |
Đến thời điểm này, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Nhận định năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức tác động lên nền kinh tế và DN, nên nhiệm vụ “củng cố năng lực, tăng sức cạnh tranh, giữ vững niềm tin DN” được nhấn mạnh trong các Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Các nhóm giải pháp vì thế cũng được đề ra sát hơn với tình hình thực tế.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 chạm mức kỷ lục
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm nay tiếp tục là điểm sáng trong toàn cảnh nền kinh tế.
Năm 2023, gần 160.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm.
Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý, tính chung cả năm 2023 đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Hơn 1 triệu lao động đăng ký mới trong năm qua.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Tuy nhiên, tổng doanh nghiệp đăng ký tăng vốn giảm 8,1% so với cùng kỳ, đạt hơn 46.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký thêm hơn 2 triệu tỷ đồng.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực. Quý I năm 2023, tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022 (33.191 doanh nghiệp).
Quý 4/2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.
Những việc cần làm để có 240.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường
Việc nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận thị trường luôn là vấn đề đặt ra. |
Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành thực hiện 3 trọng tâm phát triển của ngành trong năm 2024, với 3 đột phá chiến lược và 11 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2024.
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 24%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%; thương mại điện tử B2C tăng trưởng khoảng 18-20%...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hỉệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, hỗ trợ DN.
“Ngành Công Thương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, kết hợp kiểm tra, giám sát;… Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” là một điểm nhấn đáng kể trong Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ - nhất là khi 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thành công, thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021- 2025.
Theo các chuyên gia, cùng với Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu đưa số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023 là không hề dễ dàng. Bởi để có gần 240.000 DN gia nhập thị trường trong năm, việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN phải thực chất và “đồng hành tăng tốc” từ mọi cấp ngành.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nêu thực tế vẫn thiếu sự “đồng tốc” ở lãnh đạo cấp trên với bộ máy cấp dưới. Đây là một trong những tồn tại từ lâu và có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trước hết là sự thiếu đồng bộ về mặt luật, luật lớn thì thoáng, tư duy ở trên rất thoáng nhưng hướng dẫn cụ thể xuống dưới (dạng các Nghị định, Thông tư và các văn bản dưới hơn đã trở thành những chỉ đạo miệng hằng ngày lại thu hẹp dần.
“Sự liên thông, thấu hiểu, thấu cảm và năng lực pháp lý cũng như tính minh bạch của các thể chế pháp lý chưa thật đầy đủ. Trình tự tạo ra nhiều cách hiểu và càng cấp dưới cách hiểu càng khác nhau. Sự khác nhau đó đã tạo ra sự thiếu nhất quán với tinh thần trên là vấn đề đã được đề cập rất nhiều, đó là chất lượng văn bản không minh bạch, không rõ ràng, không tạo ra một cách hiểu duy nhất và đơn giản trong thực hiện”, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra.
Báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình DN cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 với chủ đề "Niềm tin đã trở lại nhưng cần vun đắp" được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng công bố mới đây cho thấy, “niềm tin đã quay trở lại” mặc dù khó khăn của các DN vẫn còn tiếp diễn trong năm 2024.