Để có được một cây cảnh đạt đến độ “chân - thiện - mỹ” có giá hàng tỷ đồng là rất khó, ngoài tuổi đời, thế dáng, người nghệ nhân còn rất kỳ công tạo tác chăm sóc mới có được tác phầm cây cảnh hiếm có khó tìm như vậy. Tuy nhiên ông Nguyễn Thế Tiến (Thái Bình) nổi tiếng với vườn cây cảnh có hình dáng đẹp - độc - lạ, trong đó, có cây trăm tuổi, được truyền qua hai thế hệ với giá hàng tỷ đồng thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống trồng hoa, ông được bố trao cho cây sanh “Thiên long mộc thạch”, cũng từ đây ông bén duyên với nghề cây cảnh rồi tự mình tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và chế tác ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật được nhiều người chơi cây canh đánh giá cao.
Trong vường cây cảnh của gia đình ông Tiến có nhiều cây có giá trị kinh tế cao. Nổi bật nhất và cũng là cây mà ông Tiến yêu thích là cặp đôi cây sanh cổ có tên “Thiên long mộc thạch” và “Tam nương vũ hội”. Hai cây này từng đoạt giải bạc tại Triển lãm Sinh vật cảnh tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2020 và được nhiều đại gia săn đón ngã giá.
Được biết từng có đại gia sẵn sàng chi đến 10 tỷ đồng để được sở hữu cây “Thiên long mộc thạch” nhưng ông Tiến chưa bán vì muốn hoàn thiện thêm cho bông tán của cây được mịn màng.
Chia sẻ trên báo VTC News, ông Tiến cho biết, cây “Thiên long mộc thạch” là “báu vật” bố ông nuôi trồng, tạo tác từ nhỏ, truyền lại cho ông được tròn 20 năm. Sở dĩ có tên “Thiên long mộc thạch” bởi thiên là trời, Long là con rồng trong bộ tứ linh, mộc là cây, thạch là đá.
“Cây này dáng độc lạ, kỳ quái, có nhiều u bướu, sụn, đường co lắc rất nhịp nhàng, đạt được tiêu chí cao. Nhìn nhận cây đạt được cả 4 tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn mà một cây cảnh cần có nên tôi dồn hết tâm huyết để làm được tác phẩm đặc biệt này”, ông Tiến nói.
Bên cạnh đó là tác phẩm “Tam nương vũ hội” lại là cái tên “độc nhất vô nhị”, có tuổi đời gần 100 năm. Trên thân cây có nhiều địa y, u biếu là dấu vết chứng minh sự trường tồn của một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cây có hình dáng 3 thân, thân cây uốn lượn mềm mại như vẻ đẹp của người con gái đang múa nên được đặt là “Tam nương vũ hội”. Ông Tiến cho biết từng có đại gia trả tới 3 tỷ đồng cho tác phẩm mang đậm dấu ấn thời gian này.
Chủ nhân hai cây sanh cổ này có đam mê cây cảnh không chỉ đơn thuần là mục đích kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn những nét đẹp của thời gian, là cách để những người chơi tạo ra tâm hồn thư thái, gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên.
Trước đó cây sanh cổ hình thuyền rồng của ông Đào Văn Hiến (Vĩnh Phúc) cũng thu hút nhiều người đến ngã giá. Cây được ký trên đá hình đầu rồng, nhìn tựa như một chiếc thuyền. Tay, cành, bông tán như những cánh buồm. Còn những hòn đá tạo lên hình thuyền rồng được ông Hiến lựa chọn kỹ càng, đá được lấy từ dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan “Nóc nhà Đông Dương” cách đây 30 năm.
Chủ nhân của tác phẩm từng chia sẻ, cây sanh có nguồn gốc từ Nam Điền (Nam Định), qua 8 đời chủ ông mới sở hữu được. Thời điểm mua cây năm 1998, cây có dáng long. Cây cao gần 2m, chiều dài tính cả “đầu rồng” là 1,8m, chiều rộng hơn 1m. Tay cành được làm theo lối tản vân rất công phu.
Được biết trong năm 2010 đã có người trả 6 tỷ đồng nhưng ông không bán. Hiện tại, ông cũng không ra giá vì ông không có ý định bán.