Chat GPT phản hồi lại câu hỏi của người dùng rất nhanh chóng. Ảnh minh họa. (Nguồn: Searchengine Journal) |
Cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiếp tục nóng lên khi những tập đoàn lớn đứng đằng sau các công ty khởi nghiệp (startup) bắt đầu liên minh với các đối tác để tạo ra những ứng dụng cạnh tranh.
Trong khi tập đoàn Microsoft đầu tư hàng tỷ USD vào ứng dụng ChatGPT và startup OpenAI, thì Google đầu tư vào chatbot Claude của startup Anthropic, được các cựu lãnh đạo của OpenAI không cùng chí hướng lập ra.
Chatbot Claude và một số ứng dụng khác sẽ được phát hành trong thời gian tới với sự hỗ trợ về vốn và tài nguyên của Google, dự kiến sẽ là đối thủ của ChatGPT - cơn sốt làm điên đảo các diễn đàn công nghệ trên toàn cầu trong những ngày qua.
Thống kê của Google Trends cho thấy: hiện tại Chat GPT, OpenAI là hai trong số những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Mặc dù hầu hết các tài khoản còn gặp khó khăn trong cài đặt, nhưng người dùng và một số trường học Việt Nam vẫn tự đầu tư tiền bạc để khám phá, trải nghiệm ChatGPT.
Dễ hiểu vì sao công cụ chatbot sử dụng AI này được săn đón ở Việt Nam, thậm chí vượt cả Instagram và Tiktok để trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử Internet, đạt mốc 100 triệu người dùng chỉ trong vòng hai tháng, sau khi ra mắt chính thức cuối tháng 11/2022.
Google Cloud đang cung cấp hạ tầng mở cho thế hệ startup AI tiếp theo. Sự hợp tác của họ với Anthropic là một ví dụ tuyệt vời về cách các nhà khoa học đang giúp người dùng và doanh nghiệp tận dụng sức mạnh của AI một cách có trách nhiệm.
Từ những ý tưởng đầu tiên...
AI là đột phá công nghệ mới nhất, là ngành khoa học đang định hình lại xã hội của con người ngày nay.
Khái niệm “trí tuệ nhân tạo” ra đời vào những năm 1950 khi nghiên cứu ban đầu về khoa học máy tính khám phá các phương pháp tự động hóa đơn giản. Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học bắt đầu tìm cách dạy máy tính bắt chước một số hình thức lý luận của con người, cho phép máy tính trở thành những người bạn đồng hành thông minh của chúng ta.
Trong khi phim khoa học viễn tưởng Hollywood mô tả AI là những robot có hình người, âm mưu chiếm lĩnh thế giới, thì sự phát triển hiện tại của công nghệ AI không đáng sợ đến thế. Thay vào đó, AI cung cấp nhiều lợi ích khi ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như kinh doanh, sản xuất, giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe, pháp luật…
... đến ứng dụng đi vào cuộc sống
Nhờ AI, các bệnh viện có thể quản lý hồ sơ điện tử của bệnh nhân, cung cấp dịch vụ trợ lý chăm sóc sức khỏe cá nhân phù hợp với từng người, lên lịch hẹn khám dễ dàng và luôn được hỗ trợ 24/7.
Trên thế giới, hệ thống giao thông thông minh, xe ô tô tự hành với sự hỗ trợ của AI xuất hiện ngày càng nhiều.
Tại các ngân hàng, tổ chức tài chính, AI giúp xử lý các hoạt động tài chính, tiền đầu tư và cổ phiếu, quản lý tài sản, giúp cung cấp các giải pháp tài chính nhanh chóng, hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Nhờ ứng dụng AI trong thương mại điện tử, người ta có thể tìm được món hàng nhanh, giá tốt nhất mà không mất nhiều thời gian.
Trong công nghiệp, các dây chuyền sản xuất sử dụng robot hạng nặng giúp giảm các công việc nặng nhọc, hạn chế các vụ tai nạn lao động nguy hiểm và tăng năng suất công việc.
Trí tuệ nhân tạo hay Trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. AI là loại trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính tự động hóa các hành vi thông minh như con người. |
Nỗi lo thất nghiệp?
Những câu chuyện gây bão về việc Chat GPT có thể tìm kiếm, lập trình chính xác, viết luận văn, viết báo, làm thơ, sáng tạo nghệ thuật trong khoảng thời gian rất ngắn… gây lo ngại về việc ứng dụng này có thể gây gian lận trong thi cử, đe dọa việc làm của các lập trình viên, giáo viên, nhà báo, nghệ sĩ, nhân viên chăm sóc khách hàng...
Tuy vậy, thực tế cho thấy ChatGPT vẫn còn rất nhiều vấn đề. Một khảo sát trong 1.700 người Mỹ, được tài trợ bởi công ty Ujet - công ty có công nghệ xử lý các liên hệ với khách hàng, cho thấy 72% số người cho rằng ChatGPT chỉ lãng phí thời gian. Nhiều cảnh báo về tác động tiêu cực của AI đã được khuyến cáo.
Tại Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, việc sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập… Theo PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): ChatGPT là bước đột phá của AI, các tác động gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, người dùng cần khai thác thận trọng.
“Công cụ này giúp con người trả lời hầu hết các câu hỏi trong một thời gian rất ngắn. Nội dung câu trả lời là sự tổng hợp thông tin dựa vào kiến thức mà OpenAI huấn luyện ChatGPT với bộ dữ liệu văn bản có sẵn. Người dùng cần kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực của nội dung phản hồi từ ChatGPT, nên coi đó như một nguồn tham khảo có độ tin cậy nhất định, chứ không phải tuyệt đối”, ông Thắng khẳng định.
Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực AI rất rộng mở. Nhiều nơi, AI được xác định là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Tại Việt Nam, AI hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, thương mại điện tử, nông nghiệp…
Ứng dụng công nghệ AI mang lại cho Việt Nam sự phát triển vượt bậc thời gian qua. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành AI có nhiều cơ hội việc làm rất đa dạng như: kỹ sư phát triển ứng dụng AI, kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa, robot, kiến trúc sư dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, ứng dụng AI trong các tổ chức, doanh nghiệp, các công ty công nghệ, viễn thông, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Theo xu hướng hiện nay, các bạn trẻ muốn đi sâu nghiên cứu có thể định hướng trở thành nhà khoa học dữ liệu, chuyên viên phân tích, kỹ thuật viên AI, kỹ thuật viên học máy, kỹ sư dữ liệu, chuyên viên quản lý dữ liệu, nhà phát triển hệ thống AI… để làm việc tại các viện nghiên cứu, doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, các trung tâm nghiên cứu của công ty công nghệ, viễn thông…