ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

Chiếc Airbus A380 cuối cùng và giấc mơ nhiều biến cố

Kỳ Văn

Chiếc máy bay Airbus A380 cuối cùng đã được chuyển giao cho Hãng hàng không Emirates, kết thúc chương trình sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đầy tham vọng.

Chiếc máy bay Airbus A380 cuối cùng đã được chuyển giao cho Hãng hàng không Emirates. (Nguồn: Reuters)

Dấu lặng trước Giáng sinh

Ông Tim Clark, Chủ tịch của Hãng hàng không Emirates (thuộc Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất - UAE), có ý định đến Hamburg, Đức để tham dự lễ chuyển giao chiếc Airbus A380 cuối cùng trên thế giới được sản xuất. Đây là chiếc A380 thứ 251 và đặt dấu chấm hết cho dòng máy bay lớn nhất của hãng Airbus.

Hãng Emirates là khách hàng lớn nhất mua dòng máy bay Airbus A380. Thực tế, nếu không có những đơn hàng “hào phóng” của Emirates, chương trình có thể kết thúc từ nhiều năm trước.

Có thể nói, vì quyết tâm và sự kiên định của Tim Clark, thay vì dừng sản xuất vào năm 2019, Airbus kéo dài chương trình sản xuất Airbus A380 cho đến cuối năm nay.

Ông Tim Clark đã đặt niềm tin vào những chiếc máy bay lớn nhất thế giới, với sức chứa lên đến 615 hành khách cho phiên bản do Emirates đặt hàng, sẽ tạo nên sự phát triển đột phá của hãng.

Tim Clark thậm chí còn đặt hàng riêng nội thất cho những chiếc Airbus A380 của hãng, chẳng hạn như thêm hai buồng tắm ở khoang trên để phục vụ khách hàng cao cấp.

Tuy nhiên, những chiếc máy bay khổng lồ, đắt tiền đã bộc lộ những bất tiện trong khi khai thác, vận hành. Bên cạnh đó, những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, kèm theo dịch bệnh kéo dài giáng thêm những đòn đau đớn trước tham vọng phát triển dòng máy bay cỡ siêu lớn của Airbus.

Thay vì tổ chức lễ bàn giao hoành tráng, chiếc A380 cuối cùng được chuyển giao lặng lẽ vào hôm 16/12, từ nhà máy Airbus ở Hamburg-Finkenwerder đến Dubai.

Hãng Emirates sở hữu tổng cộng 118 chiếc A380, hiện khoảng một nửa trong số đó đang nằm chờ ở sân bay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chờ ngày ngành hàng không thương mại phục hồi.

Có vẻ như đại dịch đang đặt dấu chấm hết cho những chiếc máy bay khổng lồ. Chương trình phát triển Boeing 747 cũng sẽ ngừng sản xuất vào năm 2022, sau hơn nửa thế kỷ.

Số phận bấp bênh

Vào mùa Thu năm nay, sau gần hai năm điêu đứng vì đại dịch, số lượng hành khách tăng nhanh trở lại. Một số hãng hàng không đã nhanh chóng triển khai đội bay Airbus A380 của họ.

Những chiếc máy bay khổng lồ có vẻ có “đất dụng võ” trở lại. Chẳng hạn, British Airways đã cho bay 4 trong số hàng chục chiếc A380 của hãng kể từ tháng 11.

Singapore Airlines, một những khách hàng đầu tiên của dòng Airbus A380 vào năm 2007, cũng đưa một số máy bay lớn nhất của hãng trở lại hoạt động trên tuyến London-Sydney và nhiều chặng bay khác.

Với Qatar Airways, vận may đến có vẻ bất ngờ.

Có thời điểm, công ty vận hành tất cả 10 máy bay Airbus A380 của hãng. Nhưng vào tháng 5, Giám đốc điều hành Qatar Airways Akbar Al Baker công khai tuyên bố: "Nhìn lại, việc mua những chiếc A380 là sai lầm lớn nhất của chúng tôi".

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã cho A380 tạm nghỉ và không bao giờ muốn bay nó nữa, bởi vì đó là những chiếc máy bay rất kém hiệu quả, đốt cháy nhiều nhiên liệu và phát thải. Tôi nghĩ rằng chúng sẽ không được chào đón trong tương lai gần”.

Akbar Al Baker cho rằng hành khách rất thích di chuyển bằng A380 vì sự yên tĩnh và thoải mái nhưng tác hại đối với môi trường rất lớn.

Tuy nhiên, khi máy bay trở nên khan hiếm do những chiếc Airbus A350 hiện đại gặp một số vấn đề về kỹ thuật thì vào cuối tháng 9, Giám đốc điều hành Qatar Airways thông báo rằng: "Thật không may, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc bay lại chiếc A380".

Một tiếp viên giới thiệu khu vực spa cho hành khách hạng nhất của hãng hàng không Emirates, năm 2014. (Nguồn: Reuters)

Chương trình phát triển Airbus A380 ước tính tiêu tốn khoảng 30 tỷ Euro (33,9 tỷ USD) và triển vọng đón nhận thời điểm đầu khá tích cực.

John Leahy, một nhân viên kinh doanh của Airbus, hiện đã nghỉ hưu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: Chúng tôi đã bị che mắt bởi các nhà sản xuất động cơ. Các nhà sản xuất cho biết họ sẽ trình làng các hệ thống động cơ cải tiến. Tuy nhiên, những động cơ đó đã được phát triển một cách bí mật và thực tế đã được triển khai trên những chiếc 737 Dreamliner nhỏ hơn và hiệu quả hơn của đối thủ Boeing.

Ngoài những yếu tố đó, việc “sinh sau đẻ muộn” hơn so với Boeing 747 cũng là một bất lợi cho Airbus A380.

Hơn nữa, những khác biệt trong cách thức vận hành của các đối tác sản xuất của Airbus ở Đức và Pháp cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất dòng máy bay siêu lớn này.

Vận đen dịch bệnh và khủng hoảng tài chính

Airbus A380 dường như là dòng máy bay “sinh nhầm thời”.

Thời điểm Airbus A380 đi vào hoạt động vào năm 2008, thật không may cũng là năm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đại dịch SARS năm 2002-2003 được theo sau bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu đối với máy bay lớn sụt giảm.

Tổng Giám đốc thương mại toàn cầu của Tập đoàn Airbus Christian Scherer ngày 16/12 cho hay việc Airbus giành được các đơn đặt hàng gần đây giúp nhà sản xuất máy bay châu Âu này củng cố kế hoạch tăng sản xuất máy bay thân hẹp A320. Sản lượng dòng máy bay A320 của Airbus đạt kỷ lục 60 chiếc/tháng trong năm 2019 trước khi giảm xuống 40 chiếc/tháng khi cuộc khủng hoảng hàng không nổ ra trong năm 2020. Airbus dự định tăng sản lượng lên 65 chiếc/tháng và đang cân nhắc đến con số 75.

Nhu cầu thị trường thời điểm đó là các loại máy bay nhỏ hơn, hiệu quả hơn, có khả năng bay thẳng các tuyến đường dài nhưng tiết kiệm, và dễ dàng hoạt động ở các sân bay nhỏ.

Boeing 787 và Airbus A350 nhỏ hơn là lựa chọn ưa thích cho các chuyến bay từ các nước châu Âu đến châu Á và ngược lại. Hành khách cũng tỏ ra vui mừng khi tránh được các sân bay trung tâm lớn.

Các chuyên gia trong ngành hàng không và hãng Airbus vẫn chắc chắn một điều: Mặc dù đây là một thất bại kinh tế nhưng nỗ lực chế tạo A380 không hoàn toàn vô ích và Airbus thu nhận được những bài học quan trọng.

John Leahy, từng là nhân viên bán hàng cao cấp nhất của công ty cho biết: “Tất cả những thất bại xung quanh A380 đã khiến A350 chắc chắn trở thành dòng máy bay tốt nhất mà chúng tôi từng có".

"Nhưng chi 25 hoặc 30 tỷ Euro cho A380 chỉ để có được những bài học đó dường như là một cách đầu tư rất kém hiệu quả", Leahy nói