KINH TẾ Tài chính

Chứng khoán bốc hơi 20 tỷ USD vốn hóa trong một tuần

Kỳ Văn

Giá trị vốn hóa sàn HoSE tiếp tục giảm 8,3 tỷ USD trong phiên hôm qua và lũy kế đã giảm 20 tỷ USD kể từ khi vận hành hệ thống kỹ thuật mới từ ngày 5/7.

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 12/7 chứng kiến biến động mạnh khi chỉ số VN-Index có thời điểm mất hơn 76 điểm (5,6%). Đây là mức giảm lớn nhất lịch sử tính theo giá trị tuyệt đối. Lần mất điểm lớn nhất trước đó là vào 28/1 khi VN-Index cũng lao dốc hơn 73 điểm (6,67%).

Việc dòng tiền nhảy vào bắt đáy đã giúp chỉ số thu hẹp mức độ biến động, VN-Index chỉ còn giảm gần 51 điểm (3,77%) khi kết thúc phiên 12/7. Giá trị vốn hóa sàn HoSE theo đó cũng mất 190.800 tỷ đồng (khoảng 8,3 tỷ USD), trong đó vốn hóa riêng nhóm ngân hàng mất gần 100.000 tỷ đồng.

Vốn hóa bốc hơi hơn 20 tỷ USD

Hôm qua thanh khoản sàn HoSE ghi nhận mức kỷ lục 31.616 tỷ đồng; trong đó riêng giá trị khớp lệnh hơn 29.000 tỷ đồng, tăng gần 23% so với mức bình quân tháng 6. Toàn sàn chìm trong sắc đỏ khi có 374 mã giảm giá (trong đó có 89 mã nằm sàn) và chỉ có 36 mã tăng điểm.

Tính chung cả 3 sàn chứng khoán, thanh khoản ghi nhận mức 37.000 tỷ đồng. Tổng số mã giảm giá là 841 cổ phiếu, trong đó có đến 159 mã giảm kịch sàn đáng chú ý như: CTG, VPB, ACB, SBT, NKG, HNG...

Những cổ phiếu diễn biến tiêu cực nhất hôm qua đến như nhóm Vingroup và nhóm ngân hàng. Điểm sáng cho thị trường hôm nay là MSN tăng 2,6% và NVL tăng giá 1,5%.

TOP CỔ PHIẾU CÓ ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC/TIÊU CỰC NHẤT VÀO VN-INDEX NGÀY 12/7
Nhãn MSN NVL VJC SJS PVD TCB BID VPB VHM VIC
Đóng góp Điểm 0.98 0.48 0.16 0.1 0.06 -2.99 -3.21 -3.25 -4.15 -4.28

Trái ngược lại tâm lý bi quan của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại đang tích cực tăng mua ròng. Sau khi rót ròng hơn 2.600 tỷ đồng tuần trước đó, nhà đầu tư nước ngoài lại tiếp tục mua ròng hơn 1.400 tỷ.

Mua ròng của khối ngoại được phân bổ khá đều trong hôm nay, trong đó các cổ phiếu được khối này gom nhiều nhất là STB (331 tỷ đồng), SSI (201 tỷ đồng) và HPG (178 tỷ đồng). Ngược lại lực bán không mấy đáng kể ở các cổ phiếu như VPB, MBB hay VEA.

Thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể là nhờ hệ thống kỹ thuật mới đã đi vào vận hành từ ngày 5/7, giúp khơi thông hoạt động giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên chỉ số VN-Index lại diễn biến rất tiêu cực khi đã giảm gần 124 điểm (8,7%) và gần như đánh mất thành quả đi lên trong 2 tháng vừa qua.

Hiện giá trị vốn hóa sàn HoSE đạt 4,865 triệu tỷ đồng, tương đương với mức giảm hơn 464.300 tỷ đồng (hơn 20 tỷ USD) kể từ khi vận hành hệ thống kỹ thuật mới.

Thị trường giảm điểm vì đâu?

Nói về đà lao dốc gần đây, ông Nguyễn Duy Thanh Phương - Giám đốc kinh doanh Hội sở Chứng khoán Yuanta Việt Nam - nhận định mức định giá của thị trường không còn rẻ kể từ khi VN-Index lên đỉnh 1.420 điểm. Mức P/E forward quý II ở mức 16,5 lần là cao hơn so với P/E bình quân 10 năm qua chỉ khoảng 14 lần.

Ngoài ra lực cầu yếu đi do hoạt động cho vay ký quỹ (margin) đã chạm mức tối đa ở các công ty chứng khoán. Diễn biến xấu của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 cũng làm dự báo tăng trưởng GDP và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi.

VN-Index rơi gần 124 điểm kể từ khi vận hành hệ thống kỹ thuật mới. Đồ thị: TradingView

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa hạ dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống con số 5,5%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu ở mức 6,7% do các tác động từ dịch Covid-19.

“Dịch Covid-19 lan rộng ở các tỉnh phía nam, nhiều địa phương ra lệnh tạm dừng hoạt động các nhà máy nếu cơ sở sản xuất không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ), các doanh nghiệp không thể triển khai ngay nên việc tạm thời đóng cửa nhà máy đã gây lo ngại về chuỗi cung ứng sẽ bị gãy, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường chứng khoán đã lao dốc mạnh sáng nay”, Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng lý giải.

Chứng khoán Agriseco cho rằng thị trường thường xuyên xuất hiện các phiên tăng giảm biên độ lớn gần đây là do tình hình dịch bệnh tại các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp và kỳ vọng từ kết quả kinh doanh quý II không còn nhiều do các doanh nghiệp trụ cột đã dần công bố con số ước tính.

Ngoài ra thị trường giảm điểm còn đến từ áp lực chốt lời của nhà đầu tư sau giai đoạn tăng nóng. Theo thống kê từ StockQ, VN-Index tăng gần 28% trong nửa đầu năm và là chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.

Đà giảm thời gian qua đã đưa định giá P/E hiện tại xuống 17,8 lần, giảm đáng kể so với con số 19,5 lần hồi đầu tháng, theo số liệu từ Bloomberg.

Thiếu động lực tăng điểm

Thực tế hầu hết công ty chứng khoán cũng dự báo thị trường đang thiếu các động lực để tăng điểm. Ngay cả với triển vọng kinh doanh quý II, chuyên gia VNDirect cho rằng giá cổ phiếu hiện tại cũng đã chạy trước mức tăng trưởng của lợi nhuận.

Báo cáo chiến lược của Mirae Asset Việt Nam nhấn mạnh định giá thị trường Việt Nam hiện không còn rẻ. Thị trường sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong tháng 7 và VN-Index có thể lùi về vùng 1.200 điểm.

Nên làm tư tưởng tâm lý để tránh hoảng loạn bởi xu hướng trung hạn của thị trường là tăng điểm.

- Chuyên gia Nguyễn Duy Thanh Phương

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng quá trình mất điểm vẫn đang diễn ra và còn quá sớm để khẳng định về khả năng hồi phục khi lực cầu bắt đáy vẫn chưa xuất hiện đủ mạnh để hỗ trợ VN-Index.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá sự xuất hiện của những phiên bán tháo mở ra cơ hội để thị trường dần ổn định trở lại trong những phiên tới. Tuy vậy, việc thiết lập mặt bằng giá mới trên thị trường nhiều khả năng sẽ là một quá trình chứ không phải chỉ đơn giản trong một vài phiên.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương khuyến nghị nhà đầu tư nên quản lý vị thế tài khoản, nếu dùng margin cao thì nên xem xét bán hạ tỷ lệ ở các nhịp hồi phục. Nên làm tư tưởng tâm lý để tránh hoảng loạn bởi xu hướng trung hạn của thị trường là tăng điểm, đây chỉ là một nhịp điều chỉnh cho xu hướng trung hạn.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên đánh giá nền tảng kết quả kinh doanh của danh mục cổ phiếu đang nắm giữ để đưa ra phương án tái cơ cấu danh mục. Bán các cổ phiếu có tính đầu cơ cao hoặc nền tảng cơ bản không tốt, ngược lại ưu tiên nắm giữ và mua vào thêm đối với các cổ phiếu có dự báo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.