KINH TẾ Tài chính

Chứng khoán phiên chiều 25/11: Tâm điểm chính của thị trường là nhóm cổ phiếu điện

Tuyết Trang

Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm và xác nhận phiên thấp thứ 2 trong tháng 11. Đáng chú ý, sự bùng nổ của POW đã lan tỏa sang các cổ phiếu khác trong nhóm điện.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm tín hiệu mới. Giao dịch khá buồn tẻ khi dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài và các nhóm cổ phiếu trụ cột tăng khá hạn chế, đã khiến VN-Index khó bứt tốc và thanh khoản xác lập phiên thấp thứ 2 của tháng 11.

Bên cạnh các mã lớn như VHM, VCB, VIC là động lực chính giúp thị trường tìm lại sắc xanh, tâm điểm đáng chú ý của thị trường chính là nhóm cổ phiếu điện. Sự bùng nổ của POW đã lan rộng ra toàn ngành khiến các cổ phiếu điện đua nhau khởi sắc.

Cụ thể, sau khi tiệm cận mức giá trần ở phiên sáng, POW đã nhanh chóng khoe sắc tím ngay khi bước vào phiên chiều. Đóng cửa, POW tăng 6,6% lên mức giá trần 12.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đột biến dẫn đầu thị trường với hơn 18,61 triệu đơn vị, gấp tới hơn 4 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây và đạt cao nhất trong hơn 4 tháng qua của mã này. Đồng thời, cổ phiếu POW dư mua trần tới gần 3,5 triệu đơn vị và được khối ngoại mua ròng tới hơn 1 triệu đơn vị.

Ngoài POW, cặp đôi TV2 và KHP cũng trong trạng thái dư mua trần, còn PC1 tăng 2,7%, NT2 tăng 2,4%, GEG tăng 1,9%, PGV tăng 1,6%, PPC tăng gần 1,5%...

Trong khi đó, bộ 3 trụ cột lớn bank – chứng – thép chỉ tăng nhẹ bởi trạng thái phân hóa, với nhóm chứng khoán có chút tích cực hơn bởi sắc xanh chiếm áp đảo, tuy nhiên chủ yếu cũng chỉ tăng trên dưới 1%. Cổ phiếu VIX kết phiên tăng 1,1% và là mã sôi động nhất của các nhóm này khi có 13,24 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.

Ở nhóm bất động sản khởi sắc hơn nhờ mã lớn VHM tăng 2,64%, cùng các mã VIC, HDG, DXG, KBC, HDC… đều tăng hơn 1%. Trong đó, DXG, NVL có thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường khi cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm VN30 diễn biến cùng xu hướng thị trường chung khi đóng cửa tăng gần 6 điểm, với 18 mã tăng và chỉ còn 5 mã giảm. Trong đó, POW là mã tăng tốt nhất, còn VHM có đóng góp lớn nhất đạt gần 1,2 điểm cho chỉ số chung và kết phiên mã này tăng 2,6%, các mã khác chỉ tăng trên dưới 1%. Trái lại, BID, SSB, ACB, BCM, MBB giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm đều chưa tới 0,5%.

Đóng cửa, sàn HOSE có 223 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 6,6 điểm (+0,54%) lên 1.234,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 497,8 triệu đơn vị, giá trị 11.953,77 tỷ đồng, giảm 6,85% về khối lượng và 6,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 22/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 88,7 triệu đơn vị, giá trị 2.694,8 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, dù thị trường suy yếu vào giữa phiên, thậm chí HNX-Index chớm điều chỉnh nhẹ, nhưng lực cầu sôi động với tâm điểm hướng tới nhóm HNX30, đã giúp chỉ số này bật hồi lên mức giá cao nhất trong phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 77 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,43%) lên 222,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,67 triệu đơn vị, giá trị 584,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,79 triệu đơn vị, giá trị 110,68 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kết phiên tăng gần 4 điểm với 18 mã tăng và chỉ 8 mã giảm. Trong đó, DHT giảm sâu nhất là 2,2%, còn lại chỉ giảm trên dưới 1%, với CEO giảm 1,4% và có thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 3,38 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, TVD tăng tốt hơn khi đóng cửa ở mức giá cao nhất trong phiên, tăng 2,9%; tiếp theo là IDV và PVS cùng tăng 2,7%, các mã TNG, NVL, LHC tăng hơn 2%...

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu MST nhanh chóng đảo chiều giảm do áp lực bán chốt lời gia tăng, đóng cửa giảm 1,64% xuống mức 6.000 đồng/Cp và khớp 3,32 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đều tăng nhẹ, như SHS tăng 0,8% và khớp hơn 3 triệu đơn vị, MBS tăng 0,7% và khớp 1,5 triệu đơn vị, điểm sáng vẫn là VFS tăng tốt hơn khi đóng cửa tăng 2,6% và khớp 0,8 triệu đơn vị, BVS và APS cùng đứng giá tham chiếu…

Trên UPCoM, thị trường đã đảo chiều hồi phục sắc xanh ở phút chót.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,12%), lên 91,82 điểm với 171 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 19 triệu đơn vị, giá trị 276,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,61 triệu đơn vị, giá trị đạt 37,74 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, BSR dẫn đầu với hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 1% lên mức giá cao nhất ngày 19.500 đồng/CP.

Tiếp theo là DDV tăng 1,6% và khớp 1,5 triệu đơn vị, HNG giảm 1,9% và khớp 1,34 triệu đơn vị, DRI tăng 3,2% và khớp 1,1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng phái sinh đều tăng nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó VN30F2412 đáo hạn gần nhất vào ngày 19/12, tăng ít nhất là 0,4 điểm lên 1.298,4 điểm, khớp lệnh gần 178.370 đơn vị, khối lượng mở gần 58.750 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2315 phiên này tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 2,89 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 40 đồng/cq. Theo sau là CVIC2402 khớp 2,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 50% lên 30 đồng/cq.

Hà Trần (t/h)