Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn Ngân sách nhà nước 40 nghìn tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 3/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn hậu COVID-19, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, với 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho vay 2%/năm, sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn vay trong diện được ưu đãi này. Chương trình được thực hiện trong năm 2022 và 2023, tổng quy mô các vòng quay có thể lên tới khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn vay được hỗ trợ.
Theo Nghị định 31 của Chính phủ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất cần thuộc một trong hai trường hợp.
Thứ nhất, có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Các đối tượng bao gồm: Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin…
Thứ 2, có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
Chia sẻ bên lề hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn Ngân sách nhà nước 40 nghìn tỷ, sáng 27/5, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh hiện là thời điểm triển khai chính thức chương trình hỗ trợ trên, với đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
NHNN sẽ đẩy nhanh được việc hỗ trợ 2%/năm cho các doanh nghiệp, khách hàng thuộc các đối tượng hỗ trợ theo quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 3/2022/TT-NHNN. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp hết sức mong muốn.
Theo ông Tú, ngay từ đầu năm đến nay, NHNN đã xác định là kênh quan trọng chủ yếu cung cấp vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, làm sao khẩn trương phục hồi kinh tế nhanh nhất, NHNN đã hướng tín dụng vào trong tất cả các lĩnh vực trọng yếu, cần thiết có sự tập trung để hồi phục nhanh.
Từ đầu năm đến nay, tổng tín dụng nền kinh tế đã tăng 7,75% và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tất cả các lĩnh vực cần thiết, thuộc diện ưu tiên đều tăng rất nhanh, ví dụ, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện tăng gấp 3,2 lẩn so với cùng kỳ năm 2021. Đây là dấu hiệu rất tích cực cho việc khôi phục các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.
“Chúng ta triển khai tiếp gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, nhu cầu tín dụng sẽ tăng. NHNN sẽ có tính toán phù hợp để có vốn tín dụng vào nền kinh tế đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế. Gói hỗ trợ sẽ có đủ dư địa về mặt tín dụng một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất. Tất nhiên, NHNN luôn phải quán xuyến nguyên tắc kiểm soát lạm phát”, ông Tú nói.
Đại diện cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng này đã chủ động, tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Agribank đã kịp thời ban hành quy định về hỗ trợ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tiếp tục có văn bản chỉ đạo, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đến toàn bộ gần 2.300 điểm giao dịch trên cả nước, đảm bảo kịp thời, đúng quy định đến các đơn vị trực thuộc và toàn bộ cán bộ nghiệp vụ trực tiếp thực hiện.
Đồng thời, công khai, minh bạch đối tượng, điều kiện được hỗ trợ lãi suất, tuyên truyền, chương trình hỗ trợ lãi suất đến đầy đủ khách hàng.
“Agribank sẽ triển khai các gói hỗ trợ một cách nhanh chóng, đặc biệt là nhóm khách hàn thuộc lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp nông thôn (với số vốn giải ngân lên tới hơn 1 nghìn tỷ)”, ông Vượng nhấn mạnh.
Còn theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MBBank: NHNN đang rất tích cực hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Tuy nhiên, các bộ ngành trực tiếp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cần đồng hành với NHNN để hướng dẫn cụ thể, giải đáp thắc mắc cho các ngân hàng triển khai nghị định này.
“Về phía MBBank, chúng tôi sẽ tập huấn chỉ đạo, hướng dẫn cho hệ thống các chi nhánh trên toàn quốc. Mbbank sẽ xây dựng dựng hệ thống, mẫu biểu chứng từ, hệ thống giám sát để đảm bảo thực hiện có trọng điểm, chặt chẽ, giải đáp được thắc mắc của các khách hàng. Chúng tôi đánh giá rất cao, Nghị định 31/2022/NĐ-CP đã tư duy được cả phần tổ chức triển khai, giải quyết khó khăn vướng mắc cả giai đoạn trước”, bà Hà nói.