DOANH NGHIỆP Sản phẩm mới

Chuyển đổi số, yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp vận chuyển du lịch

Admin

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận chuyển để tăng sức cạnh tranh và tạo đột phá về doanh thu.

Phát biểu tại Đại hội Chi hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng (thuộc Hiệp hội Du lịch TP) lần II nhiệm kỳ 2023 – 2026, chiều 18/5, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cùng với lữ hành, lưu trú và dịch vụ thì vận chuyển là khâu rất quan trọng, mang tính chất “mạch máu” của hoạt động du lịch. Tuy nhiên các doanh nghiệp vận chuyển du lịch (VCDL) thường hoạt động riêng lẻ, sự gắn kết giữa vận chuyển với các bộ phận khác trong ngành du lịch không cao lắm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình.

“Chi hội VCDL Đà Nẵng là mô hình rất đặc biệt, độc đáo, mới mẻ, nghiêm túc và đầy sức sống. Đến thời điểm này, đây là Chi hội VCDL duy nhất trong cả nước. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ sớm thành lập Liên chi hội VCDL toàn quốc”, ông Vũ Thế Bình nói.

Theo Chủ tịch Chi hội VCDL Đà Nẵng Lê Vinh Quang, các doanh nghiệp hội viên đã chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vì phải tạm ngưng hoạt động, không có doanh thu, người lao động mất việc… Hiện nay các doanh nghiệp VCDL phải tiếp tục đối mặt nhiều thách thức như lãi suất cao, khó tìm kiếm khách hàng sự cạnh tranh khốc liệt cũng như yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông.

“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp VCDL đã khôi phục hoạt động kinh doanh và bứt phá sau thời gian ngắn cùng với sự phục hồi của du lịch Đà Nẵng. Hiện TP có gần 700 đơn vị kinh doanh VCDL bằng xe ô tô với hơn 3.760 xe được cấp phù hiệu (trong đó hơn 550 xe trên 30 chỗ ngồi). Nhiều doanh nghiệp có số lượng xe lớn, đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách trong các mùa du lịch cao điểm”, ông Lê Vinh Quang cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, các hoạt động vận chuyển khách du lịch của TP những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, đa dạng chủng loại xe, đáp ứng nhu cầu cao của du khách. Tuy nhiên hiện nay hệ thống vận hành, đưa đón du khách một cách chuyên nghiệp, phù hợp với mọi nhu cầu vẫn chưa được triển khai bài bản.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2023 - 2026.

Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, hưởng ứng chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

“Chính quyền TP đặt nhiều kỳ vọng các doanh nghiệp hội viên Hội VCDL sẽ đi đầu ứng dụng công nghệ số vào hoạt động vận chuyển. Qua đó đem lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Đồng thời, chỉ có ứng dụng công nghệ số mới có thể giảm thiểu chi phí vận hành, tăng cường sức cạnh tranh và tạo đột phá về doanh thu cho doanh nghiệp”, bà Ngô Thị Kim Yến nói.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh, sau những thiệt hại nặng nề bởi COVID-19, việc đổi mới hoạt động VCDL đang đặt ra cấp thiết. Đặc biệt, trước sự cạnh tranh của các loại hình xe công nghệ đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng tất yếu của nền kinh tế thì việc ứng dụng công nghệ số là yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp VCDL.

“Nếu chúng ta không thay đổi theo xu thế ấy, không ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động của mình thì sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xu thế ấy cần phải được chuyển hóa vào hoạt động của các doanh nghiệp VCDL. Lấy công nghệ số làm nền tảng cho các hoạt động quảng bá, trao đổi, thanh toán, kết nối”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.