ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

'Cơn ác mộng' việc làm của lao động trẻ ngành công nghệ Trung Quốc

Kỳ Văn

Quyết định “mạnh tay” của chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây đối với giới công nghệ đã gây ảnh hưởng đáng kể đến lao động làm việc trong ngành này.

Ước tính, có hàng chục triệu người lao động trong ngành công nghệ, giáo dục trực tuyến sẽ bị tác động bởi các quyết định của chính quyền.

Năm ngoái, khi kỹ sư phần mềm Bruce Wang nghỉ việc tại công ty giao đồ ăn khổng lồ Meituan. Anh đưa ra cho mình 2 lựa chọn: trở thành nhà đầu tư bitcoin hoặc làm việc cho một cơ sở giáo dục trực tuyến.

Cả hai đều là những công việc đang thịnh hành thời điểm lúc bấy giờ. Cuối cùng, anh Wang quyết định lựa chọn trở thành một gia sư đào tạo trực tuyến.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, công việc của anh gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt của chính quyền đối với việc dạy thêm, học thêm và cả việc đầu tư, khai thác bitcoin.

Mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance, một trong những "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

"Mạnh tay" kiểm soát

Quyết định “mạnh tay” của chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây đối với giới công nghệ gây ảnh hưởng đáng kể cho lao động làm việc trong ngành này. Ước tính, có hàng chục triệu người lao động trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục trực tuyến sẽ bị tác động bởi các quyết định của chính quyền.

Ngành công nghiệp giáo dục trực tuyến và tiền điện tử chỉ là hai đối tượng mới nhất trong chiến dịch chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ từ phía chính phủ. Chiến dịch này đã “quét sạch” hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ khỏi thị trường chứng khoán trong nỗ lực kiềm chế việc đầu tư ồ ạt mà chính quyền gọi đó là “sự mở rộng vốn phi lý”.

Động thái siết chặt bắt đầu vào cuối năm ngoái khi các cơ quan quản lý theo dõi đợt chào bán công khai ban đầu (IPO) của “gã khổng lồ” công nghệ tài chính Ant Group (công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba).

Liền sau đó là một loạt hành động “nắn gân” như điều tra chống độc quyền đối với chi nhánh Alibaba Group Holding, trừng phạt hãng gọi xe Didi Chuxing do nghi ngờ vi phạm bảo mật dữ liệu, ra lệnh cho Tencent Holdings hủy bỏ các thỏa thuận hợp nhất và hợp tác với các đối tác âm nhạc độc quyền.

Chính quyền áp dụng các quy định chặt chẽ hơn cho các thuật toán đề xuất vốn mang lại doanh thu đáng kể cho các nền tảng video ngắn như TikTok hay Kuaishou của ByteDance.

Chính phủ cũng ban hành các luật và quy định mới về quản lý dữ liệu, khiến các công ty công nghệ khó thu lợi từ dữ liệu người dùng hơn. Việc đầu tư vào ngành công nghệ, đặc biệt thông qua các đợt phát hành IPO, không còn hấp dẫn như trước đây.

Khi Alibaba niêm yết lần đầu tại sàn chứng khoán New York vào năm 2014, tập đoàn này đã tạo nên kỷ lục đợt IPO lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, tạo cơ hội làm giàu cho hơn 10.000 người và đẩy giá bất động sản gần trụ sở chính của tập đoàn tại Hàng Châu tăng cao nhanh chóng.

“Gã khổng lồ” gọi xe hiện đang chiếm 90% thị phần tại Trung Quốc Didi cũng đã có đợt IPO ấn tượng trên sàn chứng khoán Mỹ vào tháng 6/2021 khi thu về gần 4,5 tỷ USD.

Triển vọng việc làm mịt mờ

Công nghệ hiện đang là một trong những lĩnh vực thu hút lực lượng lao động lớn nhất tại Trung Quốc với nhu cầu tuyển dụng hàng trăm nghìn nhân viên mới mỗi năm. Đơn cử như công ty ByteDance đã tăng số lượng nhân viên lên 100.000 người vào năm ngoái, hầu hết đều đang làm việc tại Trung Quốc.

Từ vài năm trở lại đây, mức lương trong lĩnh vực này cũng rất cạnh tranh, vượt qua cả khối ngành tài chính.

Nếu như thời điểm năm 2010, sinh viên mới tốt nghiệp đại học có thể kiếm được mức lương hậu hĩnh bằng cách gia nhập các ngân hàng, công ty chứng khoán hoặc bảo hiểm (trung bình 3.370 NDT/tháng), theo công ty tư vấn MyCOS.

Đến năm 2019, lĩnh vực phần mềm và truyền thông đã vươn lên là những lĩnh vực trả mức lương cao nhất, trung bình 6.570 NDT/tháng.

Thanh niên Trung Quốc đọc thông tin việc làm tại một hội chợ. (Nguồn: economist.com)

Các nền tảng kinh tế chia sẻ như như Didi hay Meituan cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động. Theo một báo cáo do tờ People’s Daily đăng tải vào tháng 8/2021, hai công ty này hiện đang có hơn 11 triệu nhân viên giao hàng và tài xế.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc chính quyền siết chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ đang đe dọa triển vọng việc làm của một trong những ngành thu hút nhiều lao động trẻ nhất của Trung Quốc.

Trung bình, mỗi năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có hơn 9 triệu sinh viên tốt nghiệp.

“Một số lượng nhất định sinh viên tốt nghiệp sẽ không thể tìm được việc làm sau khi ra trường và áp lực với người trẻ sẽ ngày càng tăng lên”, ông Zhang Ying, đại diện một cơ quan phụ trách xúc tiến việc làm của chính phủ cho hay.

Trước những động thái mới của chính quyền, rất nhiều lao động đang làm việc tại các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang vô cùng lo lắng, bên cạnh những băn khoăn về độ tuổi lao động trong ngành này.

Nhiều người đã chuyển hướng sang khu vực công, dù cho thu nhập thấp hơn nhưng khá ổn định và chế độ phúc lợi tốt.

Năm 2020, hơn 1,5 triệu lao động Trung Quốc đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển chọn công chức nhà nước, tăng hơn 110.000 người dự thi so với năm 2019.

Trong khi nhiều lao động rời bỏ ngành công nghệ thì nhiều người vẫn lựa chọn ở lại và đương đầu với những áp lực.

Một nhân viên lâu năm của Tập đoàn Tencent cho biết, thời gian gần đây, dù khối lượng công việc tăng cao, nhiều khi phải làm việc đến hơn 10 giờ tối và không được trả thêm lương ngoài giờ nhưng cô vẫn lựa chọn tiếp tục gắn bó với Tập đoàn này bởi mức lương khá cạnh tranh và cơ hội học hỏi rộng mở.

“Lương của tôi đã tăng gấp bốn lần kể từ khi tôi tốt nghiệp đại học. Một số đồng nghiệp của tôi thậm chí còn tăng gấp 5 hoặc 6 lần”, cô nói.

Mặc dù giá cổ phiếu của Tencent đã sụt giảm đến 40% so với thời điểm “đỉnh điểm” tháng Giêng năm nay, nhiều người lao động vẫn lựa chọn gắn bó với tập đoàn bất chấp những biến động về giá cổ phiếu.