Chia sẻ tại “Hội thảo khởi động đánh giá Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam”, chiều ngày 29/10, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng không, một trong những giải pháp quan trọng đó là chúng ta phải chuyển đổi năng lượng từ “nâu” sang “xanh”.
Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thông qua sử dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp.
“Theo tính toán, áp dụng giải pháp chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp thông qua “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp” sẽ giúp giảm phát thải từ 3-5 tấn CO2/ha lúa. Tiếp theo là phát triển rừng và các hệ sinh thái nhằm tăng cường hấp thụ khí nhà kính, bởi các hệ sinh thái ven biển rừng ngập mặn hấp thu nhiều gấp 4 lần rừng tự nhiên. Cần chuẩn bị sẵn sàng cho vận hành thí điểm thị trường tín chỉ carbon”, ông Quang nói.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, là quốc gia có nhiều mỏ dầu khí và mỏ than, Việt Nam đang nghiên cứu và hướng tới áp dụng giải pháp thu hồi và lưu trữ carbon, mặc dù đây là giải pháp khá tốn kém nhưng trong thời gian tới công nghệ phát triển thì đây là phương án khả thi.
Trên thế giới có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng thông qua các công cụ như thuế carbon và thị trường carbon. Biện pháp này hiện kiểm soát khoảng trên 11 tỷ tấn carbon, tương đương với 20% lượng phát thải trên toàn cầu.
Việc thành lập và phát triển thị trường tín chỉ carbon cũng như lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Tuy nhiên, theo kế hoạch, đến tháng 6/2025 Việt Nam sẽ tiến hành phân bổ hạn ngạch, sau đó thị trường bắt đầu tiến hành giao dịch, trao đổi hạn ngạch. Như vậy thời gian không còn nhiều.
Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, hành lang pháp lý và lộ trình thực hiện đã có. Việc cần làm là phải đánh giá tính toán cụ thể xem mực độ ảnh hưởng vĩ mô, ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở mức độ như thế nào.
“Phải có phương án thiết kế và quản lý đối với hệ thống ETS để làm sao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam”, ông Quang nhấn mạnh.