Sau khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Chính phủ dự thảo nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Theo dự thảo nghị định, từ ngày 1/7, nhà nước tăng thêm 12,5% với người đang nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất tăng thêm 20,8% với người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng chưa được tăng lương từ ngày 1/1/2022.
Sau khi điều chỉnh lương hưu nhóm đối tượng trên, người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm.
Cụ thể, với người có lương hưu sau khi tăng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người có lương từ 2,7 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng bù số còn thiếu để được 3 triệu đồng/tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sau khi điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng, ngân sách Nhà nước chi tăng thêm hơn 2.662 tỷ đồng cho 6 tháng cuối năm nay, với hơn 891.000 người được điều chỉnh.
Quỹ bảo hiểm xã hội tăng chi thêm cho 6 tháng cuối năm nay hơn 9.675 tỷ đồng, để tăng lương cho hơn 2,17 triệu người.
Với nhóm nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng được điều chỉnh thêm, dự kiến hơn 236.000 người được tăng thêm, ngân sách Nhà nước dự kiến chi thêm hơn 272 tỷ đồng cho 6 tháng cuối năm.
Tổng kinh phí tăng thêm cho lần điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/7 (tính tới hết năm) trên 12.600 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước tăng thêm hơn 2.982 tỷ đồng, quỹ bảo hiểm xã hội tăng thêm hơn 9.675 tỷ đồng.
Lý giải về các mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng khác nhau, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết nghị quyết 69/2022 của Quốc hội đã thông qua phương án tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng thêm 12,5% với nhóm do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Còn theo luật bảo hiểm xã hội, khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, một số chế độ cũng được điều chỉnh tăng theo. Với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức hiện hành), kéo theo người nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau ngày 1/7 sẽ có mức tính lương hưu cao hơn người nghỉ trước đó.
Ngày 1/1/2022 lương hưu được điều chỉnh tăng 7,4%, nhưng không tăng lương cơ sở, nên nhóm nghỉ hưu sau thời điểm này tới trước khi tăng lương cơ sở (từ ngày 1/1/2022-30/6/2023) có lương hưu thấp hơn người nghỉ trước đó dù có các điều kiện tính như nhau; và thấp hơn người nghỉ hưu sau ngày 1/7/2023 (do thời điểm này lương cơ sở cũng tăng, nên mức tính chế độ tăng theo).
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định cần điều chỉnh mức tăng bổ sung cho nhóm nghỉ hưu từ ngày 1/1/2022-30/6/2023, để đảm bảo tương quan, công bằng giữa các thời điểm nghỉ hưu.
Về thời điểm tăng lương hưu từ ngày 1/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải là để phù hợp với thời điểm tăng lương cơ sở. Quốc hội đã có Nghị quyết tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Về điều chỉnh tăng thêm cho nhóm lương hưu dưới 3 triệu đồng/tháng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay nhóm nghỉ hưu, nghỉ nhận trợ cấp, trợ cấp tuất trước ngày 1/1/1995 đa số theo diện mất sức lao động, nên thời gian làm việc ngắn, mức lương hưu, trợ cấp thấp so với mặt bằng chung.
Việc điều chỉnh tăng thêm cho nhóm này là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc (trong khu vực nhà nước giai đoạn trước năm 1995).