ĐỜI SỐNG Văn hóa - Giải trí MEDIA

Diễn ngôn văn hóa từ góc nhìn vật chất

Admin

Nghiên cứu "Văn minh vật chất của người Việt" ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.

Tác phẩm nghiên cứu văn hóa "Văn minh vật chất của người Việt"

Phan Cẩm Thượng được biết tới với tư cách là một họa sĩ. Nhưng giới sách vở nhớ đến ông còn ở một vị trí khác, nhà nghiên cứu văn hóa Việt. Qua thời gian, Phan Cẩm Thượng đã trình làng những tác phẩm nghiên cứu văn hóa đậm dấu ấn cá nhân như Văn minh vật chất của người Việt, Tập tục đời người, Nghệ thuật ngày thường.

Riêng với tác phẩm Văn minh vật chất của người Việt, không chỉ là cuộc tìm về ngọn nguồn văn hóa, văn minh Việt xa xưa qua đời sống vật chất, và cả tinh thần, mà còn là những đột phá trong kiến giải, góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa có tư duy mỹ thuật trực quan sinh động.

Văn minh Việt qua vật chất thường dùng

Chưa có thống kê tuyệt đối, nhưng đại đa số những nghiên cứu văn hóa của các nhà nghiên cứu Việt Nam, thường tìm hiểu văn hóa qua góc nhìn đời sống tinh thần ở lời ăn, tiếng nói, ở phong tục, lễ hội, các khía cạnh tinh thần.

Cảm thức văn hóa của Phan Cẩm Thượng trong Văn minh vật chất của người Việt, từ chính những xưa cũ trong đời sống vật chất của cư dân. Đó là trang phục váy sồi, yếm trắng của các bà các chị, đến chiếc cày, chiếc bừa nghề nông hay cưa đục của thủ công nghiệp.

"Qua những vật chất thường dùng, để thấy người Việt đã sinh sống như thế nào, cuối cùng là cái văn minh của người Việt Nam được biểu chương ra sao trong từng cái bát, đôi đũa, và giường tủ bàn ghế", nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thể hiện rõ góc tiếp cận của mình như thế, trong Lời nói đầu tác phẩm.

Thực hành nghiên cứu văn minh Việt qua góc nhìn vật chất, tác giả thấy rằng, con người có đời sống vật chất phong phú, nhưng lại thường không lưu ý sâu về những vật chất hiện hữu xung quanh. Và có một thực tế đáng buồn được nhà nghiên cứu họ Phan đúc rút: "Càng vào thời hiện đại, người ta càng lười suy nghĩ hơn về đồ vật (hay vật chất nói chung), đồ gì cũng được, ai sản xuất cũng được, miễn là tốt và rẻ, tốt hơn là hàng hiệu. Dấu ấn dân tộc còn rất ít giá trị, và do đó tinh thần dân tộc trong một đồ vật cũng còn rất ít giá trị".

Bởi thế, vị họa sĩ yêu văn hóa dân tộc đã lang thang khắp các vùng miền đất nước để tìm về xưa cũ, điền dã và tìm hiểu ngọn nguồn đời sống vật chất của các địa phương, tộc người, ghi chép lại bằng chữ, ký họa bằng hình ảnh. Và Văn minh vật chất của người Việt thành hình sau thời gian dài đi và viết.

Qua Văn minh vật chất của người Việt, Phan Cẩm Thượng làm sáng rõ vấn đề về văn minh vật chất. Ông thấy rằng "sự nghèo nàn của vật chất bình dân mang tính muôn thuở, thì sự giàu sang của một ông vua lại mang tính nhất thời".

Nhận định trên được chứng minh trong thực tế lịch sử đời sống vật chất. Nếu như những đồ ngự dụng cao sang của vua chúa, thậm chí là màu sắc trang phục, chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp nơi cung đình, thì từ trang phục cho tới vật dụng của dân chúng, lại có giá trị phổ quát, tồn tại lâu dài qua thời gian và mang tính đại diện cao cho văn hóa dân tộc. Cái cày, cuốc hay chiếc điếu hút thuốc lào, vẫn còn hiện diện qua cả nghìn năm tới nay. Trong khi đó, mũ miện, kiệu vua giờ chỉ còn trong bảo tàng cổ vật.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Hồ Sơn/SGGP.

Một nền văn minh vật chất thuần nông

"Thế giới vật chất của người Việt, trước thế kỷ 19, hoàn toàn nằm trong sản xuất thủ công và nông nghiệp, cũng như sinh ra từ đời sống nông nghiệp", tác giả đã đúc rút vấn đề sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu đời sống vật chất từ quá khứ tới hiện tại.

Tính đến trước khi người Pháp áp đặt nền đô hộ lên đất Việt, đời sống vật chất của người Việt là thuần nông nghiệp. Đa phần sinh hoạt vật chất xoay quanh hoạt động nông nghiệp, thủ công nghiệp của một nền văn minh lúa nước chưa cơ khí hóa. Mỗi một loại hình, sinh hoạt vật chất, lại thể hiện rõ nét thế giới vật chất thuần nông của người Việt. Phương cách di chuyển, công cụ sử dụng, đồ ăn thức uống... là những biểu hiện rõ nét.

Trước khi di chuyển bằng xe, người Việt đã di chuyển bằng thuyền. Dẫu hiện nay, phương tiện di chuyển đa dạng, giao thông đường bộ cực thịnh, điều đó không phản bác được rằng, người Việt đi thuyền trước nhất từ hàng nghìn năm, trước khi ngồi lên chiếc xe ngựa kéo.

Hoa văn trên trống đồng, thạp đồng thời văn hóa Đông Sơn là một minh chứng cho loại hình di chuyển đường thủy với hệ thống sông ngòi dày đặc của nước ta, khi mà đường cái quan chưa xuất hiện. Ngoài ra, mộ táng bằng thuyền ở Việt Khê (Hải Phòng), Châu Khê (Hà Tây) góp phần bảo chứng cho nhận định trên.

Sinh hoạt vật chất còn thể hiện cả tính giai tầng trong xã hội Việt Nam truyền thống: "Mỗi giai tầng có hoàn cảnh sống và đồ dùng riêng, nói lên đặc điểm lao động nghề nghiệp và chức phận riêng, do đó cách sinh hoạt vật chất cũng hoàn toàn riêng biệt". Cùng là ăn uống, đi lại, nhưng tùy giai tầng, lại có cách thức thể hiện khác nhau, không chỉ là sự sang hèn quý tiện, mà còn ở những chiều kích văn hóa sâu xa hơn nhiều.

Chỉ qua hoạt động nơi sân đình, chỗ ngồi hay "góc chiếu", đã thể hiện sự phân biệt ngôi thứ, vị thế. "Chiếu trên thì gần bàn thờ Thánh, càng xa bàn thờ thì càng là chiếu thấp, thấp nữa là chiếu ngoài sân đình. Riêng những người làm mõ thì ngồi chiếu riêng, ăn mâm riêng được coi là những người hạ đẳng xuất thân từ dân ngụ cư. Chiếu cao hơn thì cỗ cũng to hơn, nhiều món hơn. Kẻ thấp sẽ ghen tức vì mâm kẻ cao thật nhiều sơn hào hải vị. Mới có câu 'Bầu dục không đến bàn thứ tám'".

Trong bậc thang nghề nghiệp "sĩ, nông, công, thương" xưa kia, sự phân định thể hiện rất rõ. Đời sống của thầy đồ trong lớp sĩ là chõng tre, nghiên bút, giấy mực, là chữ thánh hiền; đời sống của anh nông dân là ruộng cả, ao liền, là "con trâu đi trước cái cày theo sau". Mỗi giai cấp, tầng lớp có những đặc trưng văn hóa vật chất khác nhau.

Nghiên cứu văn hóa dân tộc là một địa hạt rộng lớn, không dễ thực hiện bao quát, toàn vẹn. Nghiên cứu văn hóa vật chất, lại cũng cần có cảm thức vật chất nhạy bén, sâu rộng, nếu không nhà nghiên cứu sẽ không quy hoạch, "thu vén" được phạm vi tìm hiểu. Với Văn minh vật chất của người Việt, Phan Cẩm Thượng đã tự "lượng sức" mình khi "khai quật văn hóa".

Từng lớp lớp đời sống vật chất được mổ xẻ theo dòng thời gian trong Văn minh vật chất của người Việt: Phương cách di chuyển (Chương I); Dụng cụ trong sinh hoạt, làm việc thường ngày (Chương II); Đời sống ẩm thực (Chương III); Tín ngưỡng thế giới bên kia qua đồ táng, thờ và một số nghề nghiệp (Chương IV); Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hành vi, cử chỉ (Chương V).

Qua năm chương sách, độc giả cảm nhận được, tác giả tìm hiểu đời sống vật chất của người Việt mang tính truyền thống như một sự ý thức giữ gìn mạch nguồn văn hóa dân tộc. Ở đôi chỗ, tác giả có sự liên hệ văn hóa với đời sống hiện đại thể hiện sức sống văn hóa vật chất bền bỉ có sự tiếp nối, dẫu là thời văn minh nông nghiệp lúa nước, với thời cách mạng công nghiệp 4.0, thật khác.