Có tiền thì nên đầu tư vào đâu và phân khúc nào để nhanh sinh lời? Đó là mối quan tâm chung của nhiều người hiện nay.
Tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới”, do BizLIVE tổ chức, nhiều chuyên gia đã đưa ra câu trả lời đáng chú ý.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, Covid-19 chính là một "cuộc cách mạng”.
Cách mạng ở đây chính là việc thay cũ đổi mới, và Covid-19 làm hộ chiếu Việt Nam trở nên rất có giá, từ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn về Việt Nam.
Căng thẳng giữa nước lớn càng khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam hấp dẫn hơn. Ông Hưởng cho biết có nhiều bạn bè đã đem tiền đầu tư ở nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam.
Với việc kiểm soát được dịch bệnh, chuyên gia tin rằng GDP Việt Nam tăng trưởng dương là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn tăng trưởng vượt kế hoạch.
“Sau chứng khoán, vàng, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. Đầu tư vào đất chỉ có lãi”, ông Hưởng nhận định.
“Theo Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, với mảng bất động sản của FLC, dù dịch bệnh có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại, nhưng chúng tôi lo ngại cho các mảng khác như du lịch, hàng không. Đợt dịch lần 2 xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC tụt còn 20-30%. Rất đáng mừng, sau khi kiểm soát được dịch, ngay như ngày hôm nay, công suất phòng đang tăng lên rồi. Dịch được kiểm soát tốt, mọi thứ đang dần dần tốt hơn”, ông Quyết cho biết.
“Theo tôi về lâu dài bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy bất cứ nhà đầu tư nào thua lỗ, nếu thua lỗ chẳng qua là theo phong trào”.
Đó là nhiều người đầu tư vào rồi muốn rút ra ngay, kiểu như vài tháng rồi rút tiền ra ngay chắc chắn sẽ thua lỗ. Ông Quyết cho rằng nếu rút như vậy 90% là thất bại.
Có thể kể đến câu chuyện Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang… Tất cả nhà đầu tư bài bản, xem xét thủ tục pháp lý cho dù là thời điểm yếu nhất… tại thời điểm ấy, nhà đầu tư thường quan sát địa phương không theo phong trào thì đều thành công.
Thời gian qua, đầu tư ở Hà Nội hay TP.HCM, dù vùng ven đều có hiệu quả, còn nếu theo phong trào như nói ở trên thì rút vốn ra còn khó chứ đừng nói đến hiệu quả.
Với quy trình thủ tục pháp lý hiện nay, việc hoàn thiện dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ với bất động sản đô thị, từ khâu lên dự án cho đến khi đưa ra thị trường, hoàn thiện điện đường trường trạm…, quy trình phải mất ít nhất 3 - 4 năm, với điều kiện luân chuyển tiền một cách có hệ thống. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khó mà theo được với quy trình này.
“Với điều kiện khó khăn như vậy từ nay đến sang năm, vậy sản phẩm ra thị trường sẽ rất ít? Các bạn có thể tìm hiểu số lượng các dự án ra thị trường nay đến năm sau, không nhiều. Mặt khác, qua hai làn sóng dịch, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm giá hay bán phá giá nào cả.
Bởi vậy, tôi tin rằng những năm tới, chắc chắn thị trường bất động sản còn rất nhiều lợi thế”, Chủ tịch Tập đoàn FLC nói.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, giai đoạn 2020-2021, chúng ta chủ yếu tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch. Giai đoạn 2022- 2025 sẽ là giai đoạn bứt phát để phát triển mạnh mẽ hơn.
Về thị trường bất động sản (BĐS), riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS năm ngoái đóng góp 4,5% GDP, thêm lưu trú thì cộng thêm 3,8% GDP, cộng xây dựng thêm 5,84% GDP. Tính chung lại, BĐS và các ngành nghề liên quan đóng góp khoảng 17% GDP.
BĐS có tính lan tỏa rất lớn, có liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, bao gồm du lịch, xây dựng, lưu trú và tài chính ngân hàng.
"Mỗi khi nền kinh tế khó khăn thì hai lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất là chứng khoán và BĐS.
Trong 15 lĩnh vực chính, đóng góp tới 80% GDP thì BĐS là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19. Theo đó, trong đề xuất với Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị cần hỗ trợ mạnh thị trường BĐS.
Về cơ hội và thách thức với thị trường BĐS, chúng tôi luôn cho rằng, trong nguy có cơ. Chúng tôi thấy có ba điểm sáng với thị trường BĐS bao gồm thị trường BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở và logistics.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, nếu có ít tiền thì gửi tiết kiệm vì hiện nay vẫn là kênh an toàn và sinh lợi. Nếu ít tiền và phải vay ngân hàng (sử dụng đòn bẩy tài chính) thì không nên tham gia vì chưa thể đoán tình hình dịch bệnh còn kéo dài đến lúc nào. Do BĐS là kênh đầu tư lâu dài, phải qua vài ba năm mới tăng giá, nếu dùng đòn bẩy tài chính lâu dài thì không an toàn. Phải có nhiều tiền và vay nợ ít thôi, còn lúc này ít tiền thì không nên đầu tư.
"Về lâu dài BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất an toàn và sinh lợi, thông qua giá trị và theo thời gian, ông Đính nói.
Chưa có cuộc khủng hoảng BĐS giảm giá mà vẫn tăng đều, hàng năm tăng 5-7%, có khu vực tăng cao hơn, tăng theo giá trị, thời gian, có những chỗ tăng vài 3 lần trong thời gian ngắn từ lúc bắt đầu triển khai dự án đến khi hoàn thiện hạ tầng
Giá BĐS VN nhìn chung còn ở mức thấp. BĐS ở khu vực nào mới phát triển và ở địa phương có sự tăng trưởng kinh tế mạnh thì phân khúc đất nền ở đó nhà đầu tư có thể xem xét nhất là dự án mới hình thành, có hạ tầng tốt thì chúng ta nên quan tâm.
BĐS nghỉ dưỡng du lịch nên đây là sản phẩm rất đặc biệt và có dư địa lớn ở VN, 5-10 năm nữa du lịch VN sẽ có sức cạnh tranh mạnh và thu hút nên BĐS du lịch nghỉ dưỡng VN sẽ vẫn hấp dẫn và nhiều cơ hội.
Ngoài ra, đầu tư vào đâu còn theo "khẩu vị" của nhà đầu tư, không thể nói đầu tư BĐS là không có rủi ro. Gửi tiết kiệm ngân hàng thì có bảo hiểm tiền gửi, có bảo lãnh nhưng vẫn có rủi ro, chúng ta chấp nhận rủi ro đến đâu là khẩu vị của nhà đầu tư.
Đầu tư nên nhìn theo hướng trung và dài hạn.
"Bây giờ mà lướt sóng đầu cơ ăn nhanh thì khó, vì nó là cuộc chơi rất khốc liệt và không nên đầu tư theo phong trào, không sử dụng đòn bẩy tài chính, và không đầu tư vào một chỗ", chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Ngoài ra ông cũng lưu ý nhà đầu tư về khái niệm ngôi nhà thứ hai (second home), những BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng, gắn với đầu tư lâu dài. Thứ hai là phân khúc BĐS nhà ở. Đô thị hóa ở VN tính đến cuối năm ngoái là 39%, Chính phủ mong muốn đẩy đô thị hóa lên 50% vào năm 2035. Vì vậy đầu tư vào phân khúc nhà ở đô thị cũng là lựa chọn không tồi. Tuy hiện hiện tại, để dập tắt hoàn toàn dịch bệnh và phục hồi kinh tế cần thời gian nên không nóng vội được, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.