Ngân hàng Nhà nước vừa có cập nhật về số liệu tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 6 năm nay.
Trong đó, tăng trưởng tiền gửi tháng 6 vẫn ghi nhận diễn biến tương tự các tháng đầu năm khi lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng tiếp tục tăng thấp, trong khi tiền gửi của nhóm doanh nghiệp, tổ chức tăng cao hơn mọi năm.
Cụ thể, đến cuối tháng 6, tổng phương tiện thanh toán (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD khác trong nước mua) trên thị trường đã đạt trên 12,647 triệu tỷ đồng, tăng 4,43% so với đầu năm và cao hơn 0,73 điểm % so với thời điểm cuối tháng 5.
Mức tăng kể trên tương đương đã có hơn 536.500 tỷ đồng được đưa vào thị trường trong nửa đầu năm nay, bao gồm toàn bộ tiền giấy, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn.
Trong số này, tổng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6 là 5,293 triệu tỷ, cao hơn 2,94% so với đầu năm và tăng 0,34 điểm % trong tháng 6. Tương tự, tiền gửi của tổ chức kinh tế cùng thời điểm là 5,111 triệu tỷ, tăng 4,78% so với đầu năm và cao hơn 1,52 điểm % trong tháng 6.
Trong khi tăng trưởng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng chậm lại thì tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp, tổ chức lại tăng nhanh. Ảnh: Nam Khánh. |
Như vậy, riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng. Dù cao hơn so với 3 tháng liền trước nhưng đây vẫn là mức tăng thấp so với cùng kỳ các năm.
Trong khi đó, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, cao hơn 25% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức tăng 203.000 tỷ hồi tháng 3).
Tính chung nửa đầu năm, người dân đã gửi ròng thêm gần 151.200 tỷ vào các nhà băng, trong khi số này của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng.
Diễn biến kể trên trái ngược hoàn toàn so với những năm trước khi mà tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế.
Như trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng bình quân vào khoảng 330.000 tỷ/nửa đầu năm, cao gấp đôi so với mức tăng 167.000 tỷ/ nửa năm của nhóm khách hàng doanh nghiệp và tổ chức.Diễn biến tiền gửi của các doanh nghiệp và tổ chức tăng mạnh chỉ ghi nhận từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Ngược lại, trong giai đoạn dịch Covid-19, tăng trưởng tiền gửi của người dân tại các ngân hàng lại giảm xuống, từ mức 348.400 tỷ nửa đầu năm 2019, xuống 245.850 tỷ nửa năm 2020 và giảm tiếp xuống còn 151.200 tỷ đồng nửa đầu năm nay. Đây là mức tăng ròng tiền gửi cư dân nửa năm thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng tiền gửi của người dân chậm lại từ khi dịch Covid-19 bùng phát có nguyên nhân từ việc lãi suất huy động xuống thấp.
Từ năm 2020 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm 1-2 điểm %/năm ở hầu hết kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi bình quân bằng VND kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng đã giảm từ 4,3-5%/năm, xuống 3,1-3,8%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng giảm từ 5,3-7%/năm, xuống 4-5,9%/năm.
Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện phổ biến có mức lãi suất ở 5,6-6,7%/năm, trong khi cuối năm 2019 vẫn là 6,6-7,5%/năm.
Ngoài ra, dòng tiền gửi của người dân còn ghi nhận sự chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác có lợi suất hấp dẫn hơn, đặc biệt là chứng khoán.
Điều này thể hiện ở số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới cao kỷ lục và thanh khoản bình quân mỗi phiên trên thị trường chứng khoán cũng tăng gấp nhiều lần giai đoạn trước dịch.