DOANH NGHIỆP Doanh nhân

Doanh nhân Nguyễn Thị Bích Lệ - Vươn lên làm giàu từ cây Sen

Tuyết Trang

Ý tưởng khởi nghiệp chế biến sản phẩm từ cây sen của chị Lệ được bắt đầu khi doanh nghiệp thu mua “trở mặt” không bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ bao năm gia đình chị Lệ cũng như nhiều nông dân ở xã Long Tân chủ yếu đều trồng lúa với thu nhập rất thấp vì các đồng lúa ở vùng nước lợ nhiễm phèn cho năng suất không cao.

Vào năm 1998, một công ty của Đài Loan đã đề nghị bà con ở trồng sen, họ bao tiêu sản phẩm, đến khi diện tích vùng trồng tăng nhanh, nguồn cung lớn hơn cầu nên phía doanh nghiệp đặt ra chuẩn thu mua hạt sen rất khắt khe, khiến bà con không thể bán được hàng, hàng trăm ha sen của bà con trong vùng đành phải đổ bỏ.

Từ đó, chị Lệ nhận thấy nguồn nguyên liệu từ cây sen ở quê nhà rất phong phú, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng để kiếm thêm thu nhập. Giữa năm 1998, chị đã quyết định khởi nghiệp với tài nguyên bản địa này.

Sản phẩm hạt sen sấy của HTX Trường Phát.

Những ngày đầu khởi nghiệp với chị rất gian nan, những sản phẩm đầu tay của chị còn mới mẻ xa lạ với mọi người nên khó tiếp cận thị trường. Chị phải đi tiếp thị từng sản phẩm ở các tiệm tạp hóa, quán cà phê, trạm dừng chân trong và ngoài tỉnh. Mặt khác do mới ra đời, cơ sở chưa có thương hiệu nên hầu hết các đại lý chỉ cho ký gởi sản phẩm đến khi nào bán được mới trả tiền chứ không chịu bỏ vốn ra để mua hàng về bán. Đây là điều rất khó khăn cho những những người mới khởi nghiệp trong việc triển khai các phương án kinh doanh trong điều kiện tiềm lực tài chính của cơ sở còn hạn chế.

Không nản chí, chị Lệ vẫn giữ vững tinh thần với quyết tâm và nỗ lực bền bỉ trên con đường khởi nghiệp mà mình đã chọn. Nhờ làm ăn uy tín, cơ sở chế biến sen của chị Lệ rộng đường vào các đại lý, cửa hàng trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Năm 2019, các sản phẩm sen Trường Phát được huyện Nhơn Trạch chọn vào chương trình OCOP.

Khi thị trường đã ổn định, năm 2020, chị Lệ thành lập HTX, liên kết với bà con trồng sen trong khi vực diện tích lên đến trên 70ha, thu mua mọi bộ phận của cây sen, từ lá đến củ và hạt sen. Các bộ phận của cây sen được đưa vào chế biến ra hơn 20 dòng sản phẩm, giúp 40 xã viên, bà con nông dân có việc làm ổn định.

Hiện nay, HTX có rất nhiều dòng sản phẩm chế biến từ cây sen như: Hạt sen tươi, hạt sen khô, hạt sen sấy bơ, bột sen bột ngũ cốc, bột 3 dinh dưỡng, trà tim sen, trà củ sen, trà sen túi lọc, trà hạt sen, trà lá sen và các loại mứt nông sản, …Các sản phẩm chế biến từ cây sen của HTX không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước trong khu vực.

Theo chị Nguyễn Thị Bích Lệ - Giám đốc HTX Trường Phát: Với phương châm “Lợi ích của khách hàng là mục tiêu phát triển”, chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, hướng đến xây dựng mô hình khép kín. Hiện tại, các sản phẩm của Trường Phát đều đạt chất lượng ISO 22000:2018, đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh 3 sao vào 4 sao, đạt tiêu chuẩn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp tỉnh.

 
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ - Giám đốc HTX Trường Phát.

Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, chị Lệ luôn tìm cách đổi mới các dòng sản phẩm, đổi mới bao bì và phương thức kinh doanh để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường. Đến nay, các sản phẩm từ cây Sen của HTX Trường Phát đã có mặt tại hầu hết các chuỗi hệ thống siêu thị như: Co.opMart, MageMarket, BigC,.…cùng với sự đổi mới của thời đại 4.0 Công ty cũng đã đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Lazada,…

Để bổ sung kiến thức phát triển thị trường, chị cũng thường xuyên tham gia các khóa học về kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng kinh doanh và phát triển thị trường. Chính tinh thần chịu khó, năng động sáng tạo là yếu tố cơ bản giúp Lệ vượt qua được những khó khăn và đưa hoạt động kinh doanh của mình đi vào ổn định.

Sản phẩm bột sen dinh dưỡng của HTX Trường Phát.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay các sản phẩm từ cây sen mới chỉ dừng lại ở nhóm sản phẩm bình dân, chưa thể phát huy hết giá trị gia tăng cho cây sen quê nhà. Nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ tiềm lực kinh tế của của cơ sở còn hạn chế, chưa thể đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại để tạo ra những sản phẩm ở phân khúc thị trường cao hơn.

Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là mô hình khởi nghiệp có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương. Thương hiệu sen Trường Phát đã góp phần tạo hiệu ứng truyền thông hiệu quả, là điều kiện để phát triển mô hình khởi nghiệp. Câu chuyện khởi nghiệp từ cây sen của chị Lệ là trường hợp tiêu biểu cho lòng quyết tâm ý chí kiên trì nhẫn nại, chấp nhận đương đầu với thách thức khó khăn để thực hiện niềm đam mê của mình. Đây sẽ là nguồn cảm hứng to lớn góp phần cổ vũ động viên tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ khởi nghiệp.

Duy Khương - Mai Anh