KINH TẾ Đầu tư

Dự thảo kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương không quy định chiết khấu

Admin

Trong dự thảo mới nhất Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra một số lý do để không quy định mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, gửi Chính phủ sau tiếp thu ý kiến các bộ, ngành.

Liên quan đến mức chiết khấu “cứng” theo kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, chiết khấu là do các doanh nghiệp tự thoả thuận, chi phí này đã được tính trong chi phí kinh doanh định mức. Đồng thời đây cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần.

Do đó, ở sửa đổi lần này, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu không quy định chiết khấu.

Trong khi đó, ngày 27/10 vừa qua, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) - đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành liên quan kiến nghị mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị phải có quy định mức chiết khấu "cứng".

Theo ông Tây, hiện doanh nghiệp bán lẻ luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ và khó khăn về tài chính do thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng.

Nghị định 95 và Thông tư 104 của Bộ Tài chính đã quy định chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu bao gồm cả khâu bán buôn và bán lẻ. Tuy vậy, thực tế các đầu mối phân chia không đúng quy định, doanh nghiệp bán lẻ vẫn bị chèn ép.

Thời gian qua, các doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị lên Bộ Tài Chính về vấn đề này nhưng không nhận được phản hồi.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh, một năm qua, họ phải tự bỏ ra các khoản chi phí về điện, nước, lương, hao hụt, sửa chữa, lãi vay... Điều này khá bất công nếu các doanh nghiệp bán lẻ không được hưởng chiết khấu.

“Nếu Thông tư 104 của Bộ Tài chính không điều chỉnh song song với Nghị định xăng dầu sửa đổi, bằng cách phân chia chi phí định mức theo tỷ lệ ở các khâu một cách rõ ràng, hiệu quả của việc sửa đổi nghị định là không đáng kể và bất ổn trên thị trường xăng dầu sẽ tiếp diễn. Quy định hiện tại tạo kẽ hở cho doanh nghiệp đầu mối chèn ép doanh nghiệp bán lẻ, tạo xung đột lợi ích trong hệ thống kinh doanh xăng dầu không đáng có…”, ông Tây nêu.

Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đã liên tục gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc góp ý, sửa đổi Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài Chính, Công Thương đưa ra mức cụ thể về chi phí định mức, mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ. Mức chiết khấu tối thiểu để doanh nghiệp bán lẻ có thể hoạt động dao động từ 5 - 7%.