Theo báo cáo mới nhất của Fitch Rating, trong quý III/2020, kinh tế Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng GDP 2,6%, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,9%, xuất khẩu tăng trưởng trở lại. Điều này là dấu hiệu tốt hỗ trợ khả năng trả nợ của người đi vay, và cũng là cơ sở cho khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Fitch Ratings nhận định kết quả hoạt động quý III/2020 của các ngân hàng đã cải thiện hơn nhiều. Kỳ vọng việc hình thành các khoản nợ xấu và các khoản cho vay cơ cấu lại vẫn đang ở mức vừa phải với điều kiện hoạt động đang phục hồi và các quy định về phân loại nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ hết hạn vào cuối năm 2021. Hầu hết các ngân hàng đều trích lập dự phòng tín dụng cao hơn trong 9 tháng năm 2020.
Kinh tế dần hồi phục, xuất khẩu tăng cùng tỷ lệ thất nghiệp giảm là cơ sở cho khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
"Trong 12 tháng sắp tới, chúng tôi hy vọng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng bền vững, đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu đang dần được kiểm soát và trở về mức trước khi đại dịch bùng phát. Một trong những điểm đặc biệt là bắt đầu từ quý 2 năm 2020, tỷ lệ hình thành các khoản vay có vấn đề đã giảm cùng với đó là chỉ số chất lượng tài sản tiếp tục được hưởng lợi từ các quy định phân loại khoản vay đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch", ông Tamma Brian, Phó Giám đốc Fitch Ratings chia sẻ.
FitchRatings nhận định trong năm 2021, doanh thu ngành ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát lỗ cũng như hoạt động vay vốn đang dần dần khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, FitchRatings cho rằng sự phục hồi này có thể không mạnh mẽ như dự kiến do tỷ suất lợi nhuận ròng còn hạn chế, đặc biệt tại các ngân hàng thuộc hệ thống quốc doanh.
Fitch Ratings cũng kỳ vọng tăng trưởng cho vay của các ngân hàng tiếp tục phục hồi vào năm 2021. Kinh tế phục hồi cùng với khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng sẽ hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn, qua đó ổn định tỷ lệ vốn.